Đây là 4/5 bản mẫu đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, đang chờ Bộ GD-ĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố nhưng đến thời điểm này, Hội đồng thẩm định SGK vẫn đang miệt mài “nhặt sạn” ở từng trang bản thảo.
Bộ GD-ĐT chưa công bố chính thức
Ngày 9-11, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho hay, do SGK là tài liệu mang tính pháp lý cao, liên quan đến nhiều luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác nên Bộ GD-ĐT vẫn đang tiến hành rà soát các điều kiện mang tính pháp lý đối với SGK. Vì vậy, cần thêm thời gian để rà soát lại trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt.
“Chúng tôi sẽ công bố trong tháng 11 này”, ông Thái Văn Tài nói, đồng thời từ chối bình luận mọi thông tin liên quan đến việc công bố về 4 bộ SGK của NXB GDVN. Việc Bộ GD-ĐT chưa công bố nhưng NXB GDVN đã giới thiệu các bộ SGK mới, nhiều ý kiến cũng không đồng tình vì cho rằng, dường như NXB GDVN vội vàng muốn chiếm lĩnh thị trường SGK. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm ngày 9-11, Hội đồng thẩm định SGK vẫn đang miệt mài “nhặt sạn” ở từng trang bản thảo SGK.
Theo ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT-TT), nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, việc cấp giấy phép cho 6 NXB (ngoài NXB GDVN) có thêm chức năng xuất bản SGK là bước đi đầu tiên của quá trình tổ chức lại việc xuất bản SGK - một công việc mang tính xã hội nhưng lại chỉ do một đơn vị thực hiện trong nhiều thập kỷ là NXB GDVN. Nếu 6 NXB mới được cấp phép có khả năng huy động nhiều nguồn lực xã hội, tạo được sự tin cậy của đội ngũ tác giả, cộng tác viên có uy tín, sớm thích ứng với việc tổ chức biên soạn SGK sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh tích cực với NXB GDVN và người dùng SGK sẽ được hưởng lợi.
Nhưng thực tế, nếu đúng như thông tin NXB GDVN giới thiệu rằng 4 bản mẫu SGK mà họ giới thiệu nằm trong số 5 bản mẫu SGK đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, thì có nghĩa SGK mới vẫn chủ yếu do NXB GDVN nắm giữ thị phần. Tức là tính độc quyền xuất bản SGK trong lần thay sách này vẫn cơ bản chưa được phá bỏ. Đó cũng chính là lo ngại của nhiều người khi tiếp nhận chủ trương 1 chương trình nhiều SGK, bởi với tiềm lực hùng hậu, hàng năm sản xuất gần 70% sản lượng của ngành xuất bản, cộng với kinh nghiệm lâu năm và bộ máy phát hành có “chân rết” khắp cả nước, NXB GDVN vẫn “đè bẹp” các đối thủ khác và câu chuyện độc quyền vẫn tái diễn.
Hạn chế tối đa sai sót
Theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được quy định, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình GDPT cũng như Thông tư 33 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Vì được cho là không bám sát chương trình mới cũng như tiêu chí theo Thông tư 33, bộ SGK công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại gồm cuốn Toán, tiếng Việt, Đạo đức lớp 1 đã bị loại, gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Nói về các bộ SGK mới có những ưu việt gì so với những bộ SGK các thời kỳ trước đây, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Chủ biên chương trình GDPT mới môn Sinh học, cho rằng, chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, trong khi chương trình trước đây chủ yếu thể hiện tiếp cận nội dung. Do đó, hướng tiếp cận năng lực đã tác động đến việc biên soạn SGK. “SGK mới thực hiện tích hợp nhiều chức năng như cụ thể hóa chương trình, cung cấp thông tin để học sinh gia công trí tuệ giải quyết các vấn đề nhận thức, thực tiễn, qua đó rèn luyện, phát triển các phẩm chất và năng lực chung và đặc thù môn học, đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Cùng với đó, SGK cũng phải thiết kế các quy trình sư phạm để hướng dẫn giáo viên và học sinh.
Theo lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới, năm học 2020-2021, SGK GDPT dành cho chương trình lớp 1 mới sẽ được Bộ GD-ĐT chính thức triển khai. Toàn bộ SGK lớp 1 cũ sẽ bị loại bỏ. Những bộ SGK mới được Hội đồng thẩm định SGK quốc gia thẩm định đạt và được Bộ GD-ĐT công bố sẽ được các địa phương lựa chọn dạy học trong nhà trường. Các địa phương phải tổ chức lựa chọn SGK công khai, minh bạch, có tham khảo ý kiến của chính các cơ sở GDPT. Đặc biệt, SGK được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội của các địa phương, sử dụng ổn định, tránh lãng phí. Lãnh đạo các Sở GD-ĐT đều có ý kiến những cuốn SGK khi được phát hành phải đảm bảo hạn chế tối đa sai sót, các “sạn”, như một số tài liệu, giáo trình giảng dạy thời gian vừa qua.