Ở tuổi “gần đất xa trời”, ông Đặng Công Chánh thường hoài niệm. Ông tâm sự: “Giấy tờ của tôi ghi là sinh năm 1929, nhưng đúng ra năm nay tôi đã 92 tuổi. Tôi đi bộ đội, thuộc Tiểu đoàn 308. Năm 1971, tôi được điều về Phòng Điệp báo 73, Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng. Với nhiệm vụ đặc biệt, đơn vị cử 8 anh em tôi vượt Trường Sơn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi toàn thắng vài ngày, tôi được chỉ huy trao cho giấy căn cước mang tên Lý Văn Đủ, quê ở Bình Dương. Năm 1977, tôi được điều động về Sở Ăn uống và Khách sạn TPHCM, tôi lấy lại tên cũ là Đặng Công Chánh”.
Ông Đặng Công Chánh
Năm 1984, ông Chánh về hưu và sống cùng con cháu tại căn hộ số 137 Dương Tử Giang (phường 15, quận 5, TPHCM). Trở về cuộc sống đời thường, khi các con đã trưởng thành và có việc làm ổn định, ông không còn quan tâm đến chuyện tiền bạc. Lương hưu hay tiền con cháu cho, ông chỉ giữ lại một ít để “dằn túi”, còn dành hết ủng hộ từ thiện.
Ngồi tâm sự với chúng tôi, nhìn tấm lịch trên tường, ông cười cười cho biết: “Vài ngày nữa tới kỳ lãnh lương hưu, tôi sẽ cho mấy đứa học trò nghèo trong xóm. Sắp tựu trường rồi, nhưng cha mẹ tụi nó lo không xuể tập vở, quần áo, cặp xách cho con đâu”.
Tuy không phải túng thiếu, nhưng ông vẫn trăn trở một điều. Đó là ông đi bộ đội qua 2 cuộc kháng chiến, bị thương tích trong chiến đấu, nhưng chưa được công nhận thương binh. Năm 1988, ông đến các cơ quan chức năng để liên hệ làm hồ sơ. Đại tá Phan Phong Thu, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 308, đã xác nhận bản tường trình của ông Chánh.
Theo đó, ông Chánh bị thương ở bụng trong trận tập kích đồn Láng Sen (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ). Viên đạn xuyên thủng bụng, làm ông bị đứt ruột. Ông được đồng đội đưa về Quân y phân liên khu miền Tây để phẫu thuật.
Trong thời gian dài công tác và chuyển qua nhiều đơn vị, ông Chánh đã làm mất giấy chứng nhận điều trị bệnh. Do công tác liên tục, ông vẫn chưa làm hồ sơ thương binh cho mình. Hồ sơ được chuyển lên Phòng LĐTB-XH quận 5, Ban Chỉ huy quân sự quận 5, Phòng Tổ chức động viên Bộ Tham mưu Quân khu 7…, nhưng đến nay vẫn chưa có công văn trả lời.
Ông Chánh tâm sự: “Đến cuối đời rồi, tôi đâu màng công danh, lợi lộc chi nữa. Tiền chính sách thương binh nếu có, tôi cũng dành để làm từ thiện. Tôi chỉ mong mỏi được công nhận thương binh để con cháu mình biết cha ông của nó đã có thời gian sống, cống hiến và chiến đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc”.