Động thái này được đưa ra khi núi Cấm xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa 2021, đe dọa tính mạng trên 100 hộ dân ở xã Cát Thành. Việc phục hồi núi Cấm thành rừng phòng hộ giúp giảm tình trạng vỡ núi, sạt, trượt lở đất… Trong khi đó, 117 hộ dân thuộc diện phải di dời ra khỏi khu vực lở núi vẫn chưa thể di dời vì chưa có khu tái định cư.
Như Báo SGGP đã thông tin, giữa tháng 11-2021, núi Cấm bất ngờ sạt đổ, tạo lũ đất đá kéo dài từ đỉnh núi xuống, vùi lấp nhiều khu vực dân cư, đe dọa tính mạng 117 hộ dân sát chân núi. Tháng 4-2022, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương giao UBND huyện Phù Cát đầu tư khu tái định cư, di dời khẩn cấp 64 hộ dân núi Cấm (kinh phí 32 tỷ đồng) với 2 hạng mục: chỉnh trị dòng chảy lưu vực núi sạt lở; bố trí tái định cư di dời khẩn cấp 64 hộ dân (200m2/hộ). Giai đoạn thực hiện là năm 2022-2023. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành hạng mục chỉnh trị dòng chảy, chưa có khu tái định cư để dời dân…
Lý giải về chậm trễ này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận cho biết, dù dự án được tỉnh Bình Định đưa vào danh mục đầu tư, dời dân khẩn cấp nhưng các hồ sơ, thủ tục đầu tư vẫn phải thực hiện theo quy định nên gặp nhiều vướng mắc, khó khăn…