Đỉnh cao nghệ thuật cách mạng
Nghệ thuật ở Văn Cao, như nhiều người nhận xét, đó là thiên bẩm. Năm 16 tuổi, ông đã viết nên Buồn tàn thu, rồi ngay sau đó là hàng loạt ca khúc lãng mạn, trữ tình, ám ảnh, da diết cả nhạc và lời như: Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi, Thu cô liêu, Cung đàn xưa… Lĩnh vực thi ca, năm 17 tuổi, ông viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, rồi Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc… Về hội họa, năm 19 tuổi, Văn Cao học dự bị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; năm 20 tuổi, ông đã có các bức tranh gây chú ý như: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, Thái Hà ấp đêm mưa…, đặc biệt là bức tranh Cuộc khiêu vũ của những người tự tử (Le Bal aux suicides). Hầu hết các bản nhạc của ông, hình bìa đều do ông tự tay thực hiện.
Năm 1944, Văn Cao 21 tuổi, tham gia Việt Minh và Hội Văn hóa Cứu quốc, ông viết bài hát lừng danh Tiến quân ca. Đây là dấu mốc Văn Cao chuyển từ phong cách nghệ thuật lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách nghệ thuật cách mạng, kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ. Từ năm 1945 trở đi, ông viết Bắc Sơn, rồi các ca khúc, hành khúc tràn đầy sự hào hùng: Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Chiến sĩ Việt Nam, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca…, tiếp đó là Làng tôi, Ngày mùa, Tiến về Hà Nội, đặc biệt là ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch và Trường ca Sông Lô… Ông còn sáng tác nhạc phim cho phim Chị Dậu (1980), tổ khúc giao hưởng cho phim tài liệu Anh bộ đội Cụ Hồ của Xưởng phim Quân đội... Ông có nhiều tác phẩm hội họa, nhưng do chiến tranh, chỉ còn một số được giữ gìn như: Dân công miền núi, Chợ vùng cao, Lớn lên trong kháng chiến, Người Mông dắt ngựa, Người Mông uống rượu, Cá, Người đàn bà dài vú nuôi con…
Kháng chiến thành công, Văn Cao lần nữa có sự biến đổi trong sáng tác khi hướng đến sự phát triển chung của đất nước, bằng việc khắc họa chân dung con người. Trong đó, nổi bật là các tác phẩm Chân dung bà Băng, Chân dung Đặng Thai Mai, Cổng làng, Phố Nguyễn Du, Ngựa, Cây đàn đỏ, Cô gái và đàn dương cầm, Chân dung tự họa… (hội họa); Ba biến khúc tuổi 65, Thời gian, Phố Phái, Những bó hoa… (thơ). Đặc biệt, sau năm 1975, ông có ca khúc Mùa xuân đầu tiên - một trong những tác phẩm cuối cùng của ông.
Nhận định về sự nghiệp văn nghệ đặc sắc của Văn Cao, nhiều người ca ngợi, ông là nghệ sĩ đa tài, thích “lãng du” qua những “miền” nghệ thuật khác nhau. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba “miền” ấy, ông đều lưu dấu ấn với những sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người cùng thời hoặc đến sau. Nhưng trước hết và trên hết, trong nhạc, họa và thơ ông, văn hóa Việt Nam, tâm hồn người Việt Nam, khát vọng Việt Nam luôn đậm đà, da diết, quán xuyến và thống nhất.
Dấu ấn đa dạng trong nền nghệ thuật
Dù viết không nhiều, nhưng những sáng tác thi ca của ông thể hiện sự coi trọng tính tư tưởng và chất suy tư trong ngôn ngữ và thi pháp nghệ thuật của người cầm bút. Đó là nỗi đau đớn khi chứng kiến những bi kịch chất chồng của cõi nhân sinh, của những kiếp đời nô lệ trong Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946, Linh cầm tiến, Ly khách... Đó còn là sự nhạy cảm, sự trải đời của người nghệ sĩ chân chính khiến Văn Cao lựa chọn và chấp nhận dấn thân trên hành trình nghệ thuật, dám cất lên tiếng nói của lòng mình trước sự tha hóa, băng hoại đạo đức, phẩm giá của con người, cảnh báo sự xuất hiện nguy cơ đe dọa sự phát triển đất nước: Đất nước đang lên da lên thịt/ Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống/ Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng/ Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang/ Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng/ Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người/ Chúng nó ở bên ta, trong ta, lén lút/ Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men (Những người trên cửa biển).
Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đã từng được hỏi hoặc nếu được hỏi: Ở Việt Nam, thế kỷ XX, ai là nghệ sĩ lớn nhất, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, thì chắc chắn phần đông đồng thanh, đồng tâm rằng: Đó là Văn Cao!
Cuộc đời 72 năm sống, sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ XX nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, đau xót: Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc/ Bị tước dần vỏ non… Có lúc/ Ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt… Nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn, chấp nhận thua thiệt; tình yêu thương và trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông vượt lên nỗi đau khổ, bất hạnh, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ sáng chói.
Văn Cao còn mãi với chúng ta. Các tác phẩm của ông như những cột mốc yêu thương, hùng tráng, tha thiết của lịch sử, văn hóa, văn nghệ của nước nhà thế kỷ XX và lan tỏa, xao động, ám ảnh đến hôm nay và mai sau.
Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15-11-1923 tại Lạch Tray, Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình viên chức. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Năm 16 tuổi, Văn Cao bắt đầu sáng tác nghệ thuật. Năm 1944, ông gia nhập Việt Minh với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc và đó chính là Tiến quân ca. Ngày 13-8-1945, Tiến quân ca chính thức là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 10-7-1995, sau thời gian mắc bệnh ung thư phổi, nhạc sĩ Văn Cao đã mất tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Năm 1996, một năm sau khi mất, nhạc sĩ Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, ba... Tên ông được đặt cho nhiều con đường lớn ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định…
Tuy chỉ học 2 năm khóa dự bị của Trường Mỹ thuật Đông Dương, tuy số lượng tranh không nhiều, tuy cái tên nhạc sĩ Văn Cao che lấp phần nào cái tên họa sĩ Văn Cao, nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của ông cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Đặc điểm dễ nhận biết nhất trong thẩm mỹ hội họa của ông chính là kết hợp hài hòa giữa hội họa và đồ họa. Tạo hình bằng nét kết hợp mảng phẳng, không sa đà vào chi tiết, bỏ qua kiểu vờn tỉa, tả khối, sáng tối. Đặt tác phẩm của ông trong những năm tháng đó bên cạnh những tác phẩm của các họa sĩ khác, mới thấy cái riêng, cái mới của Văn Cao. Đi tìm cái mới, ủng hộ cái mới trong sáng tạo nghệ thuật là tính cách tiêu biểu của ông. Còn nhớ hồi 1948 ở Việt Bắc, cùng Nguyễn Đình Thi, ông đã luôn nhiệt tình cổ xúy cho thơ tự do, thơ không vần…
Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN THỤY KHA: Qua thời gian, tên tuổi Văn Cao ngày càng lấp lánh
Chính cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc đã khiến cho tài năng Văn Cao đạt đến độ sáng rực rỡ nhất. Nghe tiếng chuông nhà thờ rung buổi hoàng hôn, Văn Cao có Làng tôi; gặp ngày mùa, Văn Cao có Ngày mùa đẹp như một bức tranh màu nước… Tư tưởng luôn luôn vươn tới sự mới mẻ trong nghệ thuật thúc giục Văn Cao tìm tòi trong cảm thụ và cảm xúc ở mọi loại hình nghệ thuật thơ, nhạc, họa. Điển hình là bức tranh Người thổi sáo được vẽ bằng họa phái lập thể với cậu bé thổi sáo có hai màu… 28 năm sau ngày mất và 100 năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian. Nhưng thời gian không những không làm lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày, qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình.
THU HÀ thực hiện