Dự thảo Luật TTATGTĐB trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp sáng 15-3 vẫn thiết kế 2 phương án về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tha thiết đề nghị chọn phương án 1
Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (GTĐB) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6, điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện GTĐB).
Phương án 2: Quy định như Luật GTĐB năm 2008 là cấm: “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6, điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Cơ quan thẩm tra lựa chọn phương án 1. Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội, phát biểu: “Thường trực UBQPAN nhất trí với đề xuất của Chính phủ và tha thiết đề nghị UBTVQH lựa chọn phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Sau quá trình thực hiện, khi đã hình thành ý thức, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” sẽ tiến hành tổng kết quy định này để có đề xuất cho phù hợp”.
Mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô
Liên quan đến đấu giá biển số xe, Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện để bổ sung vào dự thảo luật quy định về đấu giá biển số xe ô tô; có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng đấu giá với cả biển số xe tải, xe khách và xe mô tô.
Về vấn đề này, Thường trực UBQPAN đã có văn bản đề nghị Chính phủ báo cáo. Qua đó thấy rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này.
Về ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng đấu giá với cả biển số xe tải, xe khách và xe mô tô, Thường trực UBQPAN đã có văn bản đề nghị Chính phủ báo cáo. Qua đó thấy rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 trong thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này.
Trong 5 tháng triển khai thực hiện đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành là 2.052,74 tỷ đồng và đã có 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá được khách hàng nộp với số tiền 1.395,96 tỷ đồng; việc đấu giá biển số được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.
Việc luật hóa quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 vào dự thảo Luật TTATGTĐB là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 6 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công. Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là rất cần thiết. Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội thì sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách.
Xuất phát từ các lý do trên, căn cứ đề xuất của Chính phủ, Thường trực UBQPAN đề xuất bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật TTATGTĐB (điều 37 dự thảo Luật đã chỉnh lý), trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết trên.