Tình cảm sâu đậm
Mặc dù phải đến 18 giờ mới được vào viếng nhưng từ sáng sớm, rất đông người dân đã có mặt tại khu vực nhà tang lễ. Trong đó, nhiều người đã chuẩn bị cả lương khô, nước uống, lặn lội từ quê ra để chờ được vào viếng vị lãnh tụ mà họ rất yêu kính, tin tưởng. Càng về chiều tối, dòng người từ các ngả đường xếp hàng vào viếng càng đông hơn, kéo dài qua các con phố xung quanh nhà tang lễ như Lò Đúc, Hàn Thuyên, Hàng Chuối, Trần Khánh Dư, Nguyễn Huy Tự…
Là những người dân đầu tiên được vào viếng lúc 18 giờ, bước ra từ nhà tang lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hà, 64 tuổi, quê ở Hà Đông, Hà Nội không nén nổi những dòng nước mắt nghẹn ngào: “Bác Trọng suốt đời giản dị, cống hiến cho đất nước, không một ngày được nghỉ ngơi. Tôi đến nhà tang lễ từ 13 giờ để xếp hàng vào viếng. Tôi không biết nói gì cả, thương bác lắm, chỉ mong bác ra đi thật thanh thản!”.
Hòa trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhóm lớp Ngữ văn khóa 8 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cảm xúc chung của họ cũng giống những người dân Việt Nam nhưng đặc biệt hơn bởi là bạn đồng môn. Ông Nguyễn Kim Trạch, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) chia sẻ: “Nghe tin anh từ trần, chúng tôi rất đau buồn, thương tiếc. Đối với đất nước và người dân anh là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhưng với chúng tôi anh lúc nào cũng vẫn là người bạn thân thiết, chí tình”.
Quê nhà đẫm nước mắt
Trong ngày đầu tiên Quốc tang, trước cổng làng thôn Lại Đà quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng ngàn người dân đã có mặt để viếng. Dòng người càng về chiều tối càng đông. Trên khuôn mặt ai cũng nghẹn ngào, thể hiện niềm thương tiếc sâu sắc người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Có mặt tại lễ viếng, ông Vương Khắc Duy, bạn học cùng Trường Nguyễn Gia Thiều với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kể: “Chúng tôi học cùng nhau từ ngày tóc để chỏm, mặc áo nâu, chân trần. Ông ấy là người rất mộc mạc, chân thành. Tôi và các bạn Trường Nguyễn Gia Thiều luôn thương nhớ, kính trọng ông. Vẫn biết rằng đời người không tránh khỏi quy luật của sinh, lão, bệnh, tử, nhưng ông đã ra đi sớm quá, tôi khóc thương ông, người luôn có suy nghĩ cống hiến cho dân, cho nước”.
Những tình cảm đặc biệt mà quê hương Lại Đà và người dân cả nước dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày Quốc tang càng khắc họa sâu sắc tầm vóc nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.