Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, thương lái Việt Nam cùng người nông dân trồng vải ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ… chủ động tìm hiểu thị trường, điều tiết giá cả, khả năng thu mua, sơ chế, xuất khẩu vải vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trong thời gian tới.
Theo thông báo của UBND tỉnh Bắc Giang, một trong những “vựa” vải thiều lớn nhất cả nước hiện nay, khoảng 1-2 tuần nữa sẽ bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải thiều sớm. Vụ thu hoạch vải sẽ kéo dài khoảng 1-2 tháng, tức sẽ kéo dài tới tháng 7-2019.
Trong khi đó, theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, tại Trung Quốc hiện nay cũng có vải thiều, vụ thu hoạch vải tại Trung Quốc thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7 hàng năm, sớm và kéo dài hơn so với vụ thu hoạch vải của Việt Nam do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và giống vải phong phú hơn.
Tại Trung Quốc, vải được trồng nhiều ở các tỉnh ở phía Nam sông Trường Giang như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác với sản lượng ít hơn như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam.
Năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, hàng năm Trung Quốc vẫn nhập khẩu quả vải tươi từ các thị trường khác, trong đó phần lớn là từ Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ lớn.
Do mùa đông vừa rồi ấm, khô và ít mưa, khả năng ra hoa của cây vải trong vụ mùa năm 2019 tại các địa phương có diện tích trồng và sản lượng lớn đạt tỷ lệ thấp, dẫn đến sản lượng quả vải tại nội địa Trung Quốc giảm (sản lượng vải tại Quảng Đông – địa phương chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải Trung Quốc giảm khoảng 40% so với năm 2018).
Theo số liệu ghi nhận được từ Kho dữ liệu giá cả nông sản, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây thì giá vải bán buôn (ví dụ trong ngày 27-5) tại các chợ đầu mối ở Trung Quốc dao động từ 12 - 31 nhân dân tệ/kg (1 nhân dân tệ hiện tương đương với 3.380 đồng Việt Nam).
Vào các năm trước, nếu vào thời điểm cuối vụ (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7), giá vải bán tại thị trường nội địa Trung Quốc thường sẽ giảm so với các thời điểm trước đó vì vải cuối vụ có chất lượng kém. Đây là điều kiện để vải ngon, chất lượng cao của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc được săn đón.
Trước tình hình vải thiều Trung Quốc mất mùa, sản lượng giảm, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định, với diễn biến giá cả và sản lượng thực tế năm 2019, giá vải bình quân tại thị trường nội địa Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2018.