Vai trò nhà khoa học trong an toàn thực phẩm

Trong bối cảnh hiện nay, an toàn thực phẩm (ATTP) được nhận định là tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng sống của người dân. 
Việc quản lý thức ăn đường phố còn bất cập là một trong các nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm
Việc quản lý thức ăn đường phố còn bất cập là một trong các nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm
Vấn đề đang đặt ra trong công tác đảm bảo ATTP là miếng thịt, bó rau dù rất tươi, ngon nhưng có thể đã bị tẩm ướp hoặc bên trong có dư lượng thuốc trừ sâu… Vì thế,  người chăn nuôi, trồng trọt hay nhà sản xuất thực phẩm cũng rất cần điểm tựa là nhà khoa học để tạo ra sản phẩm an toàn. 
Bất cập quy trình kiểm tra ATTP
Theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, nếu tính trên toàn địa bàn TPHCM thì vi phạm về ATTP trên 50% và phần lớn thực phẩm chưa an toàn. Vậy nhưng quy trình kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, kể cả ở 3 chợ đầu mối của TPHCM vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, các lô hàng trong khi chờ kết quả xét nghiệm định lượng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và kháng sinh thì đã đưa về nơi tiêu thụ. Do đó, khi có kết quả xác định được chất lượng hàng hóa thế nào thì chúng đã được đưa lên bàn ăn, thậm chí vào bụng người tiêu dùng. “Bất cập này cần được giải quyết và phương pháp kiểm tra nhanh là một trong các biện pháp phù hợp”, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP, đề nghị.
Từng có nhiều năm làm việc trong ngành thực phẩm, TS Trần Quang Thắng cho biết, nhiều loại hóa chất cực độc nằm trong danh mục bị cấm đã được sử dụng để chế biến thực phẩm như lạp xưởng, bún... Ngoài ra, chất bảo quản hải sản còn có thể gây chết người. Vì vậy, việc kiểm tra nhanh trong kiểm soát ATTP sẽ hạn chế được phần lớn các mối nguy gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. TS Trần Quang Thắng phân tích: “Đối với các lô hàng có nghi vấn, cần kiểm định chính quy (kết quả chính xác đến 99%) thông qua việc sử dụng các công cụ chuyên môn. Tuy nhiên, cách kiểm định này cần nhiều thời gian, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm diễn ra hàng ngày, hàng giờ nên việc test nhanh là rất cần thiết. Việc test nhanh cho độ chính xác khá cao, vào khoảng 80% nên cần được khuyến khích sử dụng”.
Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, việc test nhanh chỉ có ý nghĩa nhất định, bởi vì không thể nào thực hiện test nhanh để kiểm tra tất cả các thực phẩm. Chỉ riêng mặt hàng chả lụa (thường hay sử dụng hàn the cho giòn) cũng không thể đảm bảo test nhanh được hết, do có hàng loạt xe bánh mì, các điểm bán xôi… nhỏ lẻ, không tên tuổi sử dụng chả lụa. Bà Phương Ninh cho rằng, cái gốc của câu chuyện là hướng dẫn cho người sản xuất chả lụa không dùng hàn the mà chả lụa làm ra vẫn giòn. “Miếng thịt trông rất tươi có thể được tẩm ướp, bó rau nhìn xanh mướt nhưng có thể chứa dư lượng thuốc trừ sâu. Hơn ai hết, vai trò của nhà khoa học trong việc góp phần tuyên truyền để người sản suất biết được cái hại khi dùng phụ gia, chất cấm là xấu, có hại cho người tiêu dùng. Đồng thời, nhà khoa học cũng tham gia hỗ trợ cho họ ứng dụng phương pháp sản xuất mới tốt hơn. Theo các phương pháp này, không dùng những “chất độc” nhưng vẫn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhưng lại hiệu quả đối với người sản xuất”, bà Phương Ninh nói.
26% mẫu thực phẩm không an toàn 
(SGGP).- Trong 6 tháng đầu năm 2017, đường dây nóng của TPHCM tiếp nhận 46 phản ánh về an toàn thực phẩm (ATTP), tăng 9 vụ so với 6 tháng cuối năm 2016. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn TPHCM xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường Tiểu học Bàu Sen (quận 5). 6 tháng đầu năm 2017, TPHCM lấy 5.846 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP và xác định 1.510 mẫu không đạt (chiếm gần 26 %) và đã tiêu hủy hơn 12.000 con gia súc, gia cầm và 44 tấn thực phẩm các loại...
Ban Quản lý ATTP dự kiến thành lập 8 đội thanh tra thường trực tại các quận, huyện và 3 đội thường trực ở các chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức). Trong đó, 3 đội thanh tra thường trực ở các chợ đầu mối được trang bị phòng xét nghiệm nhanh để dừng những lô hàng có “nhiễm độc” và gửi đi xét nghiệm sâu. Theo Ban quản lý ATTP, nguy cơ lớn nhất là thực phẩm có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chứa chất cấm, chất phụ gia công nghiệp hay hóa chất độc hại nên đây là những vấn đề sẽ được đặc biệt quan tâm.
HÀ ANH
Thiếu vai trò nhà khoa học
Bà Đặng Thị Phương Ninh nhấn mạnh đến vai trò của nhà khoa học trong công tác bảo đảm ATTP. Thế nhưng, các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước hiện thiếu điểm tựa về sự hỗ trợ khoa học, kỹ thuật từ trong nước. Bà Phương Ninh nói thêm: “Các doanh nghiệp sản xuất hiện nay gắn kết với nhà khoa học trong nước rất yếu, như Công ty Vissan trong rất nhiều trường hợp phải thuê chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài”.
TS Trần Quang Thắng đồng tình với quan điểm “nhà sản xuất cần điểm tựa về khoa học” và cho biết nhiều cơ quan, nhà khoa học trong nước cũng như Việt kiều đã tham gia, nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm ứng dụng vào việc kiểm tra, phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn. Có thể dẫn chứng như, đơn vị của GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, của Việt kiều Pháp Ngô Quốc Nam... đã sản xuất thành công nhiều bộ kiểm tra và cho kết quả ngay về một số chỉ tiêu hàn the, kháng sinh… trong thực phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế là các đơn vị sản xuất hay sính ngoại; thường chọn sản phẩm, đơn vị tư vấn từ nước ngoài.
Bà Đặng Thị Phương Ninh đánh giá cao đóng góp của các nhà khoa học trong nước, trong đó có các vị vừa kể trên. Nhưng số lượng các cơ quan, đơn vị như trên làm rất ít, lại không phổ biến. Mặc khác, nước ngoài có khoa học ứng dụng tốt hơn trong nước. Ngoài ra, khi cần xử lý một tình huống nào, phía nước ngoài tư vấn, gợi ý ngay biện pháp xử lý. Trong khi đó, đối với các nhà khoa học trong nước khi cần thì mới bắt tay vào nghiên cứu nên không đáp ứng được nhu cầu. Từ đó, bà Đặng Thị Phương Ninh kiến nghị các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý phải có sự liên kết tốt hơn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất ra chuỗi sản phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có các chính sách quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhà khoa học nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn.
Về phía nhà khoa học, Việt kiều Pháp Ngô Quốc Nam (người sáng lập Công ty TNHH Phù Sa, chuyên tạo ra các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ứng dụng trực tiếp trong sản xuất) khẳng định, nhà khoa học Việt Nam đủ sức đáp ứng, trả lời cho từng câu hỏi cụ thể như trái sầu riêng, chén cơm… có đảm bảo an toàn hay không; kể cả giúp phát hiện tôm đông lạnh ăn vào có bị tiêu chảy hay không, thịt có bị tẩm ướp hay không. Tuy nhiên quy trình, thủ tục trong nước hiện nay tồn tại nhiều bất cập.
“Hàng của nước ngoài nhập vào trong nước thì họ mua, trong khi cùng những loại như vậy với chất lượng không tồi nhưng do các đơn vị, nhà khoa học trong nước làm ra thì đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục. Yêu cầu về “giấy chứng nhận” cho các sản phẩm (trong nước) đạt chất lượng đăng ký rồi mới được bán ra thị trường là phù hợp nhưng có điều thủ tục, quy trình đăng ký để được cấp giấy chứng nhận hiện nay gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ”, ông Ngô Quốc Nam đề nghị.
Cuối năm 2017: 100% thực phẩm vào chợ đầu mối đều an toàn?
TPHCM có ba chợ đầu mối nông sản, thực phẩm lớn cung cấp thực phẩm cho TPHCM và trung chuyển đi các tỉnh, thành. Đó là chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức (quận Thủ Đức); chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Lượng hàng hóa về mỗi chợ này mỗi ngày lên đến hàng ngàn tấn rau, củ, quả, trái cây, thủy hải sản tươi sống và khô, thịt gia súc, gia cầm…
Tuy nhiên, theo UBND TP, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ đầu mối còn nhiều hạn chế. Theo đó, các chủ hàng kê khai nguồn gốc vào sổ của ban quản lý chợ đầu mối. Các lô hàng này cũng được lấy mẫu xét nghiệm định lượng các chỉ tiêu về dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất, kháng sinh (trong sản phẩm động vật) thì đã được phân phối đi khắp nơi để tiêu thụ. Vì vậy, khi có kết quả lô hàng mất an toàn thì không thể thu hồi hoặc nếu được thì cũng chỉ thu hồi lại được một lượng rất nhỏ.
Đối với các chợ đầu mối là nơi “có tóc” nhưng việc quản lý ATTP còn bộc lộc bất cập như trên thì ở các chợ truyền thống, chợ tự phát càng khó kiểm soát hơn. UBND TP cũng nhìn nhận, ở các chợ truyền thống, tiểu thương chỉ xuất trình được biên nhận ghi những mặt hàng mua về từ các chợ đầu mối, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất các chợ này xuống cấp, cũ kỹ nên khó đảm bảo điều kiện ATTP. Tương tự, ở các chợ tự phát hoặc khu vực xung quanh chợ còn có nhiều điểm kinh doanh tự phát thì cơ quan chức năng không kiểm soát được ATTP.
Trước thực tế này, TPHCM đặt ra mục tiêu, trước mắt đến cuối năm 2017, lực lượng chức năng TPHCM mà nòng cốt là Ban ATTP phải có biện pháp đảm bảo 100% thực phẩm vào các chợ đầu mối có nguồn gốc và an toàn. Một trong những biện pháp mà TPHCM thực hiện là đẩy nhanh tiến độ, mở rộng hoạt động liên kết vùng với các tỉnh, thành tạo thuận lợi cho các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. TPHCM cũng sẽ tăng cường công tác phân tích xét nghiệm về chất lượng ATTP bằng việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa 15 phòng thí nghiệm và trung tâm phân tích thí nghiệm trên địa bàn. Ngoài ra các chợ (cùng các bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất cung cấp thức ăn công nghiệp) phải đầu tư kinh phí nhiều hơn để thực hiện các xét nghiệm nhanh về ATTP.

Tin cùng chuyên mục