Trước đó, nhà lãnh đạo của Nga từng cho biết ông Tập Cận Bình sẽ thăm Moscow trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5 năm nay.
Sự kiện đáng chú ý này diễn ra trong bối cảnh cuối tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh đã công bố một kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine. Văn bản của kế hoạch này kêu gọi các bên liên quan đến xung đột mở lại đối thoại trực tiếp, phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân và hóa học, cũng như sử dụng kinh tế thế giới như là một công cụ hay vũ khí nhằm mục đích chính trị… được Nga ủng hộ và Ukraine “chào đón thận trọng”, phương Tây còn hoài nghi.
Dù cả Bắc Kinh và Moscow chưa chính thức lên tiếng xác nhận về chuyến công du, thông tin về chuyến thăm đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhất là khi báo The Wall Street Journal còn cho biết ông Tập Cận Bình dự kiến điện đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Theo giới quan sát, nếu chuyến công du Nga trùng với cuộc điện đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine, cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu có thể sẽ bước vào một ngã rẽ mới.
Nhiều chuyên gia nhận định nếu các sự kiện trên diễn ra theo đúng kế hoạch, Trung Quốc sẽ nêu bật được vai trò trung gian hòa giải của mình với cộng đồng quốc tế, từ đó mở rộng được ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ông Pierre Lellouche, cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, cho rằng, Bắc Kinh đang mong muốn định hình lại thế giới với một mô hình phát triển khác với mô hình mà Mỹ và phương Tây đang đề xuất. Với việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Ukraine, Trung Quốc đang cho thấy tham vọng xây dựng một thế giới hậu xung đột Ukraine. Điều này được thấy khá rõ qua những gì Bắc Kinh đang làm với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, qua việc phi đôla hóa các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Một hệ thống kinh tế thay cho sự thống trị của Mỹ dựa trên đồng USD là những gì Trung Quốc đang tạo ra.