Vai trò mờ nhạt của IMF!

Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ hiện khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò của IMF trong việc đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế thế giới.

Được thành lập năm 1944 tại một hội nghị LHQ diễn ra Bretton Woods, Mỹ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ quốc tế, đảm bảo sự ổn định về tỷ giá trao đổi tiền tệ và đảm bảo các cam kết về tài chính của các quốc gia thành viên. 45 quốc gia sáng lập IMF đều thống nhất nhiệm vụ của IMF là bảo vệ nền kinh tế thế giới.

Nhưng liệu IMF đã đảm nhận được vai trò này và có phát hiện sớm khi có các tín hiệu báo động đối với nền tài chính và kinh tế thế giới hay chưa? Câu trả lời hoàn toàn ngược lại.

Khi đánh giá về cơn khủng hoảng thế chấp nhà ở Mỹ, Giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn đã khẳng định trước Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua rằng “có nhiều cơ sở để khẳng định những điều tồi tệ nhất đã qua”.

Ông Strauss-Kahn cho rằng các ngân hàng lớn đã không còn những khoản nợ xấu. Nhưng đến nay, chính ông lại bi quan hơn khi cho rằng, chúng ta đang đối mặt với điều tồi tệ nhất và nhiều công ty, tổ chức tài chính có thể phải chịu những thiệt hại nặng nề.

Cũng cùng thời điểm đó, Phó Giám đốc IMF, John Lipsky, lại tuyên bố cơn bão tài chính có thể kiểm soát được và không có chuyện dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kết quả là cả Mỹ lẫn châu Âu đều lao đao vì khủng hoảng.

Dư luận thế giới cho rằng IMF đã bị mất uy tín, thiếu tính dân chủ và khó có thể hoàn thành sứ mạng được giao hiện nay. Phương thức bầu giám đốc của IMF chỉ dành ưu tiên cho người châu Âu hoặc Mỹ đã không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Cách thức này đã được xác định từ năm 1944 và cho đến giờ vẫn ít được thay đổi. Quyền lực của IMF vẫn nằm trong tay một nhóm nước. Những cải cách tại IMF trong nhiều năm qua chỉ vẫn mang tính hình thức.

Năm 1997, IMF đã không dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cũng như hiện nay, tổ chức này không thấy trước được cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất tại Mỹ. IMF cũng bị cáo buộc là thiên vị đối với Mỹ, đặc biệt là vai trò giám sát tỷ giá. IMF muốn thiết lập một cơ chế trừng phạt đối với những nước có chính sách tiền tệ gây bất ổn cho một nước khác.

Rõ ràng, cơ chế này nhằm vào Trung Quốc, nên nước này đã bác bỏ. Với những đánh giá nêu trên, các chuyên gia tài chính thế giới cho rằng, đã đến lúc IMF phải cải tổ để đảm nhận đúng vai trò của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính lần này có thể là một cơ may cho IMF, bởi thể chế tài chính này đang đi tìm một hơi thở mới. Nhân dịp này, ông Strauss-Kahn cũng kêu gọi một vai trò mới cho IMF. Đó là đổi mới chức năng hoạt động nhằm chấm dứt sự hỗn loạn tài chính, tính thiếu minh bạch, vụ lợi, thiếu trách nhiệm trong hoạt động của hệ thống tài chính.

Việt Lê

Tin cùng chuyên mục