Diện tích đất nông nghiệp suy giảm từng năm, phải trồng những cây con sử dụng ít diện tích đất nhưng có giá trị, đó là đặc trưng của nền nông nghiệp đô thị. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp đô thị, TPHCM trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước khi đạt được một số thành công nhất định, giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 450 triệu đồng/ha vào năm 2017.
Xác định sản phẩm chủ lực
UBND TPHCM vừa ban hành danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP ở 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, nhóm sản phẩm cây trồng chiếm 57,5% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2017 với sản phẩm chính là rau, hoa kiểng.
Diện tích gieo trồng rau hàng năm trên 7.200ha (sản lượng trên 490.400 tấn/năm), trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 1.300ha (chiếm 37%).
Hoa lan được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP. Nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt). Nhóm sản phẩm thủy sản là tôm nước lợ chiếm tỷ trọng 49,2% trong ngành thủy sản, riêng cá cảnh là sản phẩm tiềm năng.
Những năm gần đây, nghề nuôi cá cảnh của TP có tốc độ phát triển nhanh, tăng trưởng bình quân của sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 18,6%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 27%.
Tuần qua, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP) công bố 5 mô hình trồng được AHTP hoàn thiện quy trình công nghệ và chuyển giao các doanh nghiệp, hộ dân trồng 5 năm qua ở 30 tỉnh thành như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Bình, TPHCM… và được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận là “Tiến bộ kỹ thuật quốc gia”.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đô thị TPHCM ngày càng cụ thể và rõ nét, nhất là khi TP xác định các nhóm nông sản chủ lực làm định hướng phát triển trong thời gian tới với các chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho người sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho rằng để người dân an tâm sản xuất cần 2 yêu cầu: quy hoạch vùng đất nông nghiệp ổn định từ 20 - 30 năm và kế hoạch sản xuất để đảm bảo chất lượng cũng như đầu ra sao cho không bị được mùa mất giá.
Trước đó, đại diện Phòng Kinh tế huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết, nông dân có thể trồng những sản phẩm thị trường yêu cầu nhưng luôn bận tâm câu hỏi, tiêu thụ như thế nào? Vì vậy, công nghệ cao chưa thể mở rộng như ý muốn khi nông dân chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư công nghệ cao do băn khoăn bao giờ thu hồi vốn vì đầu ra chưa thật sự ổn định. Như vậy, vấn đề ở đây không còn là kỹ thuật mà là vấn đề kinh tế và thị trường.
Tìm đầu ra
Nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất các loại nông sản đạt chất lượng cao không khó, nhưng cái lo của nông dân vẫn là bán cho ai, tiêu thụ như thế nào? Kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc kết nối với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhằm giúp tiêu thụ nông sản ổn định cho nông dân sản xuất nhỏ, giải quyết vấn đề đầu ra một cách căn cơ.
Nhưng để làm được điều này, nông dân cần vào các loại hình kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã. Vì doanh nghiệp không thể làm việc với từng hộ mà phải qua một đại diện như hợp tác xã. Đây là nơi đàm phán để có thể cung ứng dịch vụ đầu vào hay để mua vật tư nông nghiệp với giá thấp hơn thị trường và đàm phán doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định quanh năm.
Theo ông Trần Trường Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay tiêu thụ nông sản.
Như việc Metro Cash & Carry Việt Nam trước đây, nay là MM Mega Market (MM), 20 năm qua đã tập huấn cho hơn 20.000 hộ nông dân, ngư dân giúp nâng cao sản lượng, an toàn sản phẩm để tiếp cận tốt hơn với nền thương mại hiện đại, cũng như nâng cao năng lực trong dài hạn; sau đó hợp tác, liên kết với nông dân, hợp tác xã các ở các tỉnh để có nguồn hàng ổn định, từng bước hình thành 4 trạm trung chuyển nông sản hàng hóa về rau (Lâm Đồng), thủy sản (TP Cần Thơ), thịt (Đồng Nai), trái cây (Bến Tre).
Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của MM trực tiếp làm việc với nông dân, hợp tác xã từ lựa chọn giống; lên kế hoạch sản xuất, thu hoạch, bao bì đóng gói và vận chuyển trực tiếp đến các trạm trung chuyển, đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hộ nông dân tham gia hợp tác phải có nhật ký sản xuất, ghi chép chi tiết thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hoạch và thực hiện kiểm nghiệm định kỳ.
Từ năm 2008, khi lập trạm trung chuyển đầu tiên về rau củ ở Lâm Đồng, cho thấy hiệu quả trong quá trình kết nối hộ sản xuất nhỏ đến thị trường thông qua việc liên kết và hợp tác sản xuất để có đầu ra ổn định.
Từ những kết quả đó, ông Phidsanu Pongwatana, Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, cho rằng MM xây dựng Trạm trung chuyển trái cây tại tỉnh Bến Tre nhằm cung cấp nguồn trái cây an toàn, chất lượng cao cho hệ thống 19 trung tâm MM trên toàn quốc. Đồng thời, phục vụ mục tiêu xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Thái Lan, Trung Quốc...
Nói chung về chuỗi giá trị nông sản hay nói riêng về rau quả an toàn, Th.S Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, nhấn mạnh đến vai trò của việc liên kết giữa các khâu để chuỗi liên kết có thể thành công và loại bỏ sự mất lòng tin qua việc xây dựng môi trường tin cậy. Chỉ khi nào hộ cá thể tham gia vào các tổ chức như hợp tác xã và hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp tạo thành một chuỗi giá trị nông sản thì mới có thể nói đến việc đầu ra ổn định được giải quyết một cách căn cơ