Lấy cảm hứng từ máy bán chocolate tự động, John Sheppard-Baron đã phát minh ra ATM đầu tiên để sử dụng tại chi nhánh Ngân hàng Barclays ở Bắc London (Anh) vào năm 1967, cách mạng hóa các dịch vụ tài chính bằng cách cho phép chủ tài khoản tiếp cận tiền mặt 24/7. Thành công của máy ATM ở châu Âu nhanh chóng thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính đang bùng nổ ở Mỹ. Sau đó, Donald Wetzel đã đưa máy ATM đến New York vào năm 1969.
Trong một thời gian dài, máy ATM là hình ảnh phổ biến trên các đường phố lớn, tại các trạm xăng và trung tâm mua sắm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bước sang những năm 2020, ngân hàng kỹ thuật số và thanh toán không tiếp xúc đang dần biến phương thức thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng tiền mặt trở nên lỗi thời. Tuy các máy ATM ngày nay không chỉ cung cấp dịch vụ rút tiền mặt mà còn có thể truy vấn số dư, sao kê nhỏ hoặc gửi tiền mặt, nhưng ngân hàng kỹ thuật số có thể làm điều tương tự và hơn thế nữa. Điều này khiến các chi nhánh ngân hàng truyền thống và máy ATM rơi vào tình trạng khó khăn. Không ít người đặt câu hỏi: tương lai của máy ATM sẽ ra sao, và liệu chúng còn phục vụ mục đích nào trong thời đại kỹ thuật số ngày nay không?
Theo ông Martin Heraghty, Giám đốc khu vực châu Âu của Công ty chuyên xử lý thanh toán toàn cầu Paymentology, số lượng máy ATM ở châu Âu đã giảm hơn 10% kể từ năm 2016. Trong khi đó, phân tích từ đối tác tư vấn toàn cầu Kearney dự báo, 25% chi nhánh ngân hàng châu Âu sẽ đóng cửa trên khắp châu Âu từ năm 2020 đến năm 2023, do sự lớn mạnh của ngân hàng kỹ thuật số. Hơn nữa, sự gia tăng trong chi phí dịch vụ ATM và nhu cầu tiền mặt giảm trên toàn cầu cũng buộc các ngân hàng phải xem xét lại dịch vụ ATM.
Tuy nhiên, ông Martin Hartley, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn tư vấn tài chính Consulting Group, tin rằng mặc dù thanh toán không tiếp xúc và ngân hàng kỹ thuật số tiếp tục đạt được sức hút trong bối cảnh cổ phiếu của các công ty công nghệ tài chính đang tăng lên, máy ATM vẫn có chỗ đứng. Điều này đặc biệt đúng ở các thị trường đang phát triển và khu vực có thu nhập thấp, nơi máy ATM tiếp tục đóng vai trò quan trọng những người chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Theo ông Michalis Michaelides, Giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn toàn cầu BPC Banking Technologies, tiền mặt vẫn là một công cụ quan trọng đối với người tiêu dùng ở những khu vực chưa phát triển. Một báo cáo năm 2022 của trang web Merchant Machine cho thấy, 78% dân số Romania vẫn sử dụng tiền mặt, trong khi Peru có tỷ lệ máy ATM cao nhất thế giới với 127 máy/100.000 người. Các chuyên gia ngân hàng nhận định, việc triển khai công nghệ tiên tiến sẽ giúp các máy ATM đi trước thời đại, chẳng hạn công nghệ sinh trắc học và nhận dạng khuôn mặt để truy cập trên ATM. Xác thực sinh trắc học tại máy ATM cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn gian lận và chống rửa tiền, giúp các giao dịch tiền mặt trở nên an toàn hơn. Điều này có thể tạo niềm tin lớn hơn vào các tiêu chuẩn an toàn của tiền mặt.