Đến nay, đã có 4 người chết và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ bạo động giữa những người ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido và lực lượng bảo vệ biên giới. Số liệu của LHQ cho thấy 2,7 triệu người đã chạy khỏi Venezuela kể từ năm 2015 và khoảng 5.000 người Venezuela di cư mỗi ngày do tình hình kinh tế và bạo lực gia tăng.
Trong nỗ lực giảm căng thẳng, phái bộ Venezuela tại LHQ tuần qua đã mời đại sứ của 46 nước họp cùng Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza để xem lại một trong các điều khoản của Hiến chương LHQ, theo đó cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước và phản đối việc đe dọa sử dụng biện pháp quân sự. Venezuela cũng đã gửi thư cho Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về những diễn biến mà Caracas cho rằng “có nhiều mối đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Venezuela, vi phạm Hiến chương LHQ”. Cho đến nay, Chính phủ Venezuela và đại đa số các thành viên LHQ cùng mong đợi dùng giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua các biện pháp hòa bình và một quá trình đối thoại quốc gia chân thực và toàn diện.
Trong khi đó, bất chấp lệnh cấm đi lại của Chính phủ Venezuela, “Tổng thống tự phong Juan Guaido” đã đến khu vực biên giới nói trên để tham gia lực lượng phản đối đóng cửa biên giới, sau đó sang Colombia để gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Khối Lima (gồm 12 nước thành viên: Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Mexico, Panama, Paraguay và Peru) ra tuyên bố yêu cầu “Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngay lập tức rời khỏi vị trí của mình để ủng hộ một quá trình chuyển đổi dân chủ bao gồm các cuộc bầu cử tự do”.
Ngược lại, Nga và Trung Quốc tiếp tục ủng hộ ông Maduro. Theo ABC News, ngay cả bên trong nước Mỹ vẫn có 2 luồng ý kiến về việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Luồng ý kiến ủng hộ sự can thiệp ở nhiều mức độ, kể cả quân sự. Luồng ý kiến còn lại, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bernie Sanders, người vừa tuyên bố ra tranh cử tổng thống năm 2020 cảnh báo sự can thiệp của bên ngoài vào Venezuela. Trả lời phỏng vấn truyền hình CNN, ông Sanders nói: “Tôi rất lo sợ Mỹ tiếp tục làm những gì họ đã làm trong quá khứ như đã lật đổ các chính phủ được bầu cử dân chủ ở Chile, Brazil và ở Guatemala”. Theo ông, Mỹ nên làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy một không khí dân chủ nhưng ông không tin vào giải pháp can thiệp quân sự.
Hơn ai hết, Chính phủ Venezuela rất cẩn trọng trong việc tránh gây bạo lực vì như vậy sẽ dễ tạo cớ cho một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài. Quân đội Venezuela vẫn đứng ngoài các vụ đụng độ ở biên giới Venezuela - Colombia mà chỉ triển khai cảnh sát chống bạo động. Ngoài ra, ngay từ tháng 10-2018, Chính phủ Venezuela khuyến cáo các nhà điều hành đại diện cho khoảng 50 công ty mở tài khoản ngân hàng ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ và bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp ở các nước đó. Các công ty cũng được cảnh báo rằng sẽ có những nỗ lực làm gián đoạn sản xuất để gây bất ổn cho Chính phủ Venezuela.