Cảm xúc EURO
Người đội trưởng áo vàng nhíu mày, tay cầm quả bóng rồi vất đi, mắt hướng về nơi xa xăm nào, sau cú sút thành bàn quyết đoán nhưng có phần may mắn của Radja Nainggolan đội Bỉ.
1. Đó là hình ảnh cuối cùng của Zlatan Ibrahimovic trong màu áo ĐTQG Thụy Điển. Ibra quyết định không tham dự Olympic Rio, giã từ sự nghiệp quốc tế ngay sau EURO 2016. Quyết định đó được đưa ra chỉ 1 ngày trước trận cầu quyết định gặp Bỉ, nơi không có điều kỳ diệu nào xảy ra, để giúp Ibra và đồng đội tiếp tục hành trình.
Ibra quyết định dừng lại, ở tuổi 34, sau 15 năm cống hiến cho Thụy Điển ở 3 kỳ World Cup và 4 kỳ EURO. Thế là quá đủ với anh. Từ Bồ Đào Nha 2004 đến Pháp 2016, 12 năm qua nhanh như một chớp mắt, chàng tiền đạo cao kiều khiến thế giới bùng nổ với pha giật gót vào lưới Gianluigi Buffon năm nào đã từng bước trưởng thành, trở thành chân sút đẳng cấp, làm đội trưởng, đi vào ngôi đền huyền thoại, rồi giã từ đội tuyển.
Với những người theo dõi bóng đá, 12 năm cũng chứng kiến những bước chuyển biến lớn trong cuộc đời. Một thằng nhóc năm 9 tuổi lần đầu biết xem bóng đá quốc tế, chẳng để ý Ibra là ai, nhầm lẫn giữa Ronaldo “béo” người Brazil và tài năng trẻ Ronaldo của chủ nhà EURO 2004, cực kỳ ấn tượng với biểu trưng trái tim bọc lấy quả bóng tròn năm ấy mà thêm yêu bóng đá, thoáng chốc thành anh thanh niên 21 tuổi.
12 năm, thêm một thế hệ những tên tuổi lừng danh trong thế giới bóng đá đã xuất hiện, bừng sáng rồi từ giã. 12 năm sau nữa, sẽ không còn mấy ai nhớ những Ibra, Nedved, Charisteas, Ribery, Robben, Pavlyuchenko, Torsten Frings, Daniel Guiza, Arshavin, Gerrard hay Lampard, sẽ có những tên tuổi khác lại bừng sáng trong thế hệ mới, rồi lại giã từ.
Đời người được mấy lần 12 năm, chẳng mấy lần được nhìn mưa đầu hạ, háo hức chứng kiến những kỳ EURO, World Cup đến rồi đi. Cậu nhóc 9 tuổi ngày trước, anh thanh niên 21 tuổi bây giờ, quay đi ngoảnh lại sẽ thành gã đàn ông 33 tuổi, chẳng mấy chốc rồi già…
“Lời nói của ngươi sẽ biến mất
Gia tộc của ngươi sẽ biến mất
Tên của ngươi sẽ biến mất
Tất cả ký ức về ngươi rồi cũng không còn”
Những câu thoại trên của nhân vật Sansa Stark, ở đoạn cuối tập 9 bộ phim Trò chơi vương quyền phần 6, không chỉ nói với Ramsay Bolton độc ác, mà có lẽ, nhắc nhở tất cả chúng ta về sự ngắn ngủi của tuổi trẻ và đời người.
2. Trước trận Bỉ – Thụy Điển vài giờ, ở cách nước Pháp hàng ngàn cây số, diễn ra một sự kiện không hề liên quan gì đến EURO: Mini live show Ngày hôm qua, tưởng nhớ 100 ngày mất nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập. Trong khuôn khổ show rock ấm cúng đó, người ta lại hát vang những “Tâm hồn của đá”, “Đường đến ngày vinh quang”, “Niềm tin cho cát bụi”, “Cây bàng”, “Bông hồng thủy tinh”… của anh, người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh. Các fan ban nhạc Bức Tường thậm chí đã không tin vào tai mình, khi lại được nghe chất giọng trầm ấm, hào sảng của anh trong phần trình diễn Mắt đen, bài hát mà guitarist Trần Tuấn Hùng từng nói sẽ không chơi lại một lần nào nữa từ ngày anh Lập mất, qua thủ pháp ghép nối được đạo diễn bởi chuyên gia âm thanh người Nhật, Masaaki Azuma.
Thế mới biết, dù đời người ngắn ngủi, dù sóng sau xô sóng trước, khiến ký ức về một ai đó sẽ dần bị lãng quên, nhưng nếu sống hết mình và để lại những dấu ấn tích cực, chúng sẽ được cuộc đời nâng niu cất lại trong một góc nhỏ, để đến một lúc nào đó, ùa về rõ nét khiến thiên hạ phải mỉm cười.
Zlatan Ibrahimovic đã làm được điều đó. Khi nhắc về anh trong màu áo ĐTQG, người Thụy Điển sẽ không nhớ đến hành trình thảm họa ở Pháp 2016, mà những hồi ức đẹp sẽ được kể tên, về chân sút số 1 trong lịch sử đội Bắc Âu, về người quảng bá hình ảnh đất nước này ra thế giới, về một chàng trai nhập cư gốc Bosnia vượt qua mọi rào cản trở thành tượng đài của Thụy Điển, một biểu tượng gắn kết dân tộc.
Anh, cũng như Gerrard, Lampard hay nhiều cái tên đã đang lùi vào bóng tối khác, đã vùng vẫy cống hiến hết mình dưới ánh mặt trời, để lại những hồi ức rất riêng và tạo cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới.
Họ, nói như nhạc sĩ Trần Lập, đã “đặt tên lên những ước mơ”, đã trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, rồi khắc tên mình trên cuộc đời này.
TRẦN HOÀI THUẬN