Vaccine HPV có thể phòng ung thư cổ tử cung

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn thì tiêm phòng vaccine HPV vẫn là biện pháp mang lại công dụng tốt trong việc phòng bệnh ung thư cổ tử cung
Vaccine HPV có thể phòng ung thư cổ tử cung

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn thì tiêm phòng vaccine HPV vẫn là biện pháp mang lại công dụng tốt trong việc phòng bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC).

Sát nhân thầm lặng HPV

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam, cho biết: “Hàng năm có khoảng 490.000 phụ nữ trên toàn thế giới bị mắc UTCTC và trên 270.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Mỗi 2 phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 phụ nữ chết do UTCTC. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5.300 ca mắc mới và 2.500 trường hợp tử vong do UTCTC. Đây là một trong những ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao hàng đầu trong số các loại ung thư ở phụ nữ”.

Tiêm vaccine HPV tại Viện Pasteur

Khoa học đã chứng minh, virus HPV là nguyên nhân hàng đầu của bệnh UTCTC. Có hơn 100 chủng HPV đã được mô tả, trong đó có 13 chủng nguy cơ cao (đặc biệt là chủng 16 và 18). Hơn 50% phụ nữ có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm HPV vào thời điểm nào đó của cuộc đời, nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời có thể lên tới 80%.

UTCTC có nguồn gốc từ virus HPV không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua từng giai đoạn, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài khoảng từ 10 - 15 năm. Trong giai đoạn tiền ung thư, người phụ nữ hầu như không có triệu chứng gì, do đó không thể nhận biết đã mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa.

Những cách phòng ngừa UTCTC

Để phòng bệnh UTCTC, các chuyên gia y tế khuyến cáo, chị em phụ nữ cần khám phụ khoa định kì 6 tháng/lần, để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp. Nên thực hiện xét nghiệm PAP smear để phát hiện những dấu hiệu bất thường nhằm điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường này tiến triển thành UTCTC. Đây là xét nghiệm dành cho người đã có quan hệ tình dục và cần thực hiện mỗi năm 1 lần.

Bên cạnh việc tuân theo chỉ dẫn của chuyên gia và bác sỹ, chị em cũng nên tiêm vaccine HPV đủ 3 mũi vaccine trong vòng 6 tháng để giảm nguy cơ UTCTC.

Các thí nghiệm lâm sàng đã chứng minh, vaccine HPV có hiệu quả chống lại việc nhiễm virus HPV đường sinh dục, có hiệu quả gần 100% phòng vết loét tiền UTCTC vừa và nặng gây ra bởi hai chủng vi rút HPV 16, 18. Ngoài ra, vaccine này còn phòng các viêm loét, mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn…

Một buổi tư vấn về tiêm vaccine ngừa UTCTC

Theo Tiến sĩ-Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa, Trưởng khoa Xét nghiệm sinh phẩm lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM: “Tôi vẫn thường dặn dò và khuyến khích tất cả các bệnh nhân của mình, đặc biệt những người đã là cha mẹ và các chị em phụ nữ rằng việc tiêm vaccine phòng HPV là điều cần thiết và quan trọng nếu bạn mong muốn con cái hay kể cả bản thân bạn có một cuộc sống an toàn và khoẻ mạnh”.

Xét về tính an toàn của vắc xin ngừa HPV, Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đánh giá về mức độ an toàn, xem xét tác dụng không mong muốn liên quan đến tiêm vaccine ngừa HPV trước khi cấp phép sử dụng. Cho đến hiện nay, vaccine ngừa HPV vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn và phù hợp với những quy định hiện hành về mức độ an toàn của vắc xin được phép sử dụng tại Hoa Kỳ cũng như các quốc gia phát triển khác trên thế giới...

Giáo sư Hiển cũng khẳng định: “Vaccine HPV được phê duyệt sử dụng ở người vào tháng 6-2006 tại Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, vaccine HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2008. Vaccine HPV an toàn, không gây vô sinh, không ảnh hưởng đến thai nhi và sinh đẻ. Tuy nó cũng có một số phản ứng phụ thường gặp sau tiêm như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ trong 1-2 ngày, đau đầu, chóng mặt... Một số ít có thể bị choáng. Những dấu hiệu này thường tự khỏi, mà không đòi hỏi phải điều trị”.

Tin cùng chuyên mục