Dự kiến ngày 8-3, những liều vaccine Covid-19 đầu tiên của Hãng AstraZeneca (Anh) sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để chuẩn bị cho việc tiêm 117.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca được nhập về Việt Nam vào cuối tháng 2, Bộ Y tế đã có nhiều cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc và đã có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine xuất xưởng. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã giao 1 đơn vị kiểm nghiệm lô vaccine này và đến nay đã đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Ngày 5-3, Sở Y tế TPHCM có văn bản báo cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Pasteur TPHCM về kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn TP theo mẫu thu thập thông tin của Cục Y tế dự phòng. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện TP không có ổ dịch trong cộng đồng. Do đó, TP không xác định địa bàn được ưu tiên tiêm chủng. Các trường hợp nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine tại TPHCM chủ yếu là nhân viên tuyến đầu chống dịch, bao gồm cán bộ y tế điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, nhân viên điều tra dịch tễ, nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, tổ Covid-19 cộng đồng, nhân viên trực tiếp tiêm vaccine... Dự kiến, giai đoạn 1, TPHCM có 44.175 trường hợp được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
* Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: |
Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21. Trong đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay nhu cầu vaccine rất lớn nhưng việc đảm bảo đủ vaccine Covid-19 rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. “Quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước. Bộ Y tế cũng đang huy động mọi nguồn lực cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Đến nay, Bộ Y tế dự kiến mua được khoảng 90 triệu liều vaccine Covid-19, chưa kể 60 triệu liều đang đàm phán mua của Nga, nâng tổng số khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 75 triệu người”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
* Đàm phán để có đủ 30 triệu liều vaccine Covid-19
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều. Hiện đã có các nguồn cung ứng của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều, Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều. Nguồn thứ 2 là lô 30 triệu liều vaccine mua của AstraZeneca thông qua Công ty VNVC. Nguồn thứ 3, vaccine của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này. Nguồn thứ 4, vaccine Sputnik V của Nga. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác. Với vaccine trong nước, các công đoạn vẫn đúng tiến độ, dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine.
Bộ Y tế đã lên kế hoạch lịch trình tiêm chủng. Trong quý I, dự kiến khoảng 1,2 triệu liều sẽ được tiêm cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và 116.000 nhân viên tham gia phòng chống dịch. Quý II, COVAX sẽ cung ứng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Trong đó, dự kiến có khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, 1.027.000 quân nhân, 304.000 cán bộ, chiến sĩ công an, 550.000 giáo viên sẽ được tiêm. Quý III, COVAX Facility hỗ trợ vaccine cho các quốc gia để tiêm chủng cho 20% dân số. Có khoảng 33 triệu liều, tương ứng 16 triệu người được tiêm, dành cho 750.000 giáo viên, 7.600.000 người trên 65 tuổi, 1.930.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu như cán bộ hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch và 7.000.000 người mắc bệnh mãn tính trưởng thành…
* Vaccine Covid-19 trong nước có nhiều bước tiến
Ngày 5-3, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC do IVAC sản xuất. TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC có 150 tình nguyện viên khỏe mạnh, từ 18-59 tuổi, cư trú tại Hà Nội. Sau khi khám sàng lọc, mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 28 ngày. Mục tiêu giai đoạn 1 là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vaccine.
Liên quan việc virus SARS-CoV-2 đang có nhiều biến chủng, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine COVIVAC dựa trên nền tảng công nghệ virus vector, gắn gene mã hóa protein S của virus SARS-CoV-2, sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vaccine đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể virus SARS-CoV-2 của Anh và Nam Phi. Giá dự kiến sau khi được phép lưu hành khoảng 60.000 đồng/liều.
Đối với việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine Nano Covax (Công ty Nanogen sản xuất), sau hơn 1 tuần triển khai đã có 367 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm, có nhiều người cao tuổi nhưng chưa ghi nhận phản ứng bất thường sau tiêm. Nano Covax là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người và dự kiến quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.