Mexico, về lý thuyết, sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trước hết là nhờ vào Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Hiện nay, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc sụt giảm trong năm 2019, trong khi nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa nguồn gốc Mexico lại đang tăng.
Trong quý 1-2019, tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ giảm từ 21% xuống còn 17,7%, trong khi thị phần của Mexico tăng từ 13,5% lên 14,5%. Thế nhưng, đà tăng trưởng thương mại đó cuối cùng lại không tốt đẹp cho Mexico như tưởng tượng ban đầu. Đó là vì sự tăng trưởng thương mại này sẽ kéo theo việc mở rộng các nhà xưởng và gia tăng đầu tư vào Mexico. Láng giềng của Mỹ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các khoản đầu tư của bất cứ doanh nghiệp nào đang hoạt động sản xuất tại Trung Quốc nhưng muốn tiếp cận thị trường Mỹ và Washington không muốn điều đó. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa rằng Washington có thể lập tức xóa bỏ NAFTA mà không có bất kỳ bước đệm nào, một khả năng sẽ nhấn chìm bất cứ khoản đầu tư nào vào Mexico.
Trong khi đó, từ ngày 3 đến 24-5, các đồng nội tệ ở Nam Mỹ đã mất giá so với đồng USD, cụ thể là đồng peso Colombia sụt giảm 3,6%, đồng real Brazil 2%, đồng peso Chile 2,4% và đồng sol Peru 1,4%. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy trong bối cảnh khủng hoảng, giới tư bản sẽ từ bỏ thị trường tiền tệ Mỹ Latinh để dựa dẫm vào đồng USD. Một hệ quả nữa của xung đột thương mại Mỹ - Trung tác động sâu rộng tới toàn bộ khu vực là sự sụt giá các mặt hàng nguyên liệu. Trong khi Nam Mỹ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc với việc mở rộng quy mô kinh tế khu vực trong 2 thập niên qua nhờ vào xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu sang Trung Quốc với giá cao, xung đột thương mại có thể khiến nhu cầu sụt giảm, làm mất giá những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt này của khu vực.
Nhưng vẫn có những ngoại lệ như vàng hay đậu tương và chính những ngoại lệ này sẽ mang tính quyết định trong việc bù đắp sự sụt giảm nói chung và sự giảm tốc hay suy thoái kinh tế nói riêng có khả năng xảy ra ở khu vực này. Trên thực tế, đậu tương có thể là phao cứu sinh cho Mỹ Latinh, nhưng về lâu dài nó sẽ để lại tai họa cho các thế hệ tương lai, khi đẩy cả vùng rừng khổng lồ Amazon vào vòng nguy hiểm. Các nhà kinh tế tính toán rằng, để bù đắp số lượng nhập khẩu từ Mỹ mà Trung Quốc đã cắt giảm (khoảng 50%), Brazil cần tăng sản lượng đậu tương của mình thêm 39%, đồng nghĩa với một thảm họa mang tính tàn phá đối với Amazon vì cần phải có thêm 13 triệu ha đất trồng trọt - tương đương với diện tích của cả nước Hy Lạp. Giới quan sát nhận định, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện, các nước từng là “sân sau” của Mỹ trong khu vực sẽ muốn tăng cường quan hệ mậu dịch với Trung Quốc, nhất là về đậu tương, nhằm bù đắp phần nào những hao hụt trong hoạt động xuất khẩu sang Mỹ.