Điều này đồng nghĩa mỗi đội bóng đá V-League được đăng ký tối đa 6 cầu thủ có quốc tịch nước ngoài, gồm 4 ngoại binh và 2 Việt kiều; mỗi trận đấu có thể sử dụng 5 cầu thủ có quốc tịch nước ngoài trên sân (3 ngoại binh, 2 Việt kiều), khi cầu thủ Việt kiều không bị xem là “ngoại binh”.
Đó là chưa kể, nếu CLB có thêm cầu thủ nước ngoài nhập tịch, những người này được tính là cầu thủ nội, thì người hâm mộ bóng đá có thể chứng kiến một trận đấu tại V-League mà số lượng cầu thủ không sinh ra ở Việt Nam chơi bóng trên sân chiếm đến 60%-70%. Một con số mang tính lịch sử.
Dù ủng hộ hay không, đây vẫn là xu hướng không thể tránh khỏi của bóng đá chuyên nghiệp. Việc tăng số lượng cầu thủ ngoại cũng là giúp các CLB của chúng ta đủ sức cạnh tranh ở đấu trường khu vực và châu Á. Vấn đề đặt ra, những người làm bóng đá Việt Nam phải làm gì để thích ứng, vừa nâng chất lượng thi đấu vừa bảo đảm tính liên tục trong chuỗi hoạt động đào tạo - phát triển cầu thủ trẻ. Hình dung một CLB ra sân với 7 cầu thủ có quốc tịch nước ngoài (3 ngoại binh, 2 Việt kiều, 2 nhập tịch), chỉ còn lại 4 “suất” dành cho cầu thủ trong nước, chắc chắn sẽ không còn chỗ cho cầu thủ trẻ nếu như không phải đạt tầm tuyển thủ quốc gia hay tuyển U23.
Đây không đơn thuần là chuyện có sử dụng cầu thủ trẻ ở V-League, mà còn mang ý nghĩa chiến lược, tầm nhìn. Về mặt kỹ thuật, các CLB vẫn có thể chỉ sử dụng cầu thủ “nội” thi đấu V-League nếu họ có những con người tốt. Nói cách khác, quan trọng nhất vẫn là chất lượng của cầu thủ trẻ. Nếu cầu thủ có chuyên môn tốt, việc được ra sân là giải pháp có lợi cho CLB. Như chúng ta thấy ở CLB Hà Nội, HAGL, Sông Lam Nghệ An, hay Thể Công - Viettel, đó là những nơi có hệ thống tuyến trẻ tốt và đều là những đội có truyền thống, thành tích vượt trội ở giải quốc nội trong hơn thập niên qua.
Nhưng thực tế số lượng các đội sử dụng cầu thủ trẻ không nhiều và điều này không chỉ ở Việt Nam. Để các giải vô địch quốc gia như V-League dành “đất” cho tài năng nội, nhất thiết nên có sự can thiệp khéo léo từ cơ quan quản lý. Ngay ở giải ngoại hạng Anh, việc bắt buộc về số lượng cầu thủ “home-growth” (tự đào tạo) trong đăng ký và ra sân đã giúp đội tuyển Anh liên tục trẻ hóa suốt 6 năm qua dưới thời HLV Southgate. Cơ chế này hoàn toàn có thể áp dụng ở V-League, thậm chí có thể tăng thêm số lượng đối với giải hạng nhất.
Nhưng quy chế, quy định chỉ là một mặt của vấn đề, điều cốt lõi vẫn là ý thức trách nhiệm của các CLB chuyên nghiệp, của những nhà tổ chức với mục tiêu đưa V-League trở thành bệ phóng cho tài năng trẻ bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên nghiệp. Cuộc khủng hoảng lực lượng kế thừa trên đội tuyển quốc gia 2 năm qua ít nhiều cũng tác động tiêu cực đến mỗi góc nhìn của công chúng đối với V-League. Nếu V-League quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng tài năng trẻ, đội tuyển quốc gia mới có nguồn lực bổ sung để cải tổ lực lượng, cải thiện thành tích quốc tế.