PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về vấn đề tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng như mong muốn công khai quy hoạch nhân sự Trung ương để đảng viên, nhân dân giám sát.
- Phóng viên: Thưa ông, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương vừa qua đã thảo luận định hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, trong đó định rõ tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ông đánh giá điều này như thế nào?
Ông VŨ TRỌNG KIM: Định hướng về xây dựng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bộ máy lãnh đạo cấp chiến lược của chúng ta rất rõ ràng, cụ thể và sâu sát với tình hình thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Trước hết là vấn đề xác định tiêu chuẩn nhân sự. Ủy viên Trung ương phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo…
Những tiêu chuẩn được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đưa ra đã bám sát thực tiễn. Ủy viên Trung ương phải là người được tín nhiệm trong nhân dân, ngoài sự lựa chọn trong Đảng thì tín nhiệm trong nhân dân là một yêu cầu rất quan trọng trong điều kiện hiện nay. Bởi người cán bộ lãnh đạo phải có khả năng tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân và được nhân dân tín nhiệm mới có khả năng hoạt động hiệu quả.
Những đồng chí đó tiêu biểu, gương mẫu, đảm bảo tư cách, phẩm chất, năng lực công tác nhưng đồng thời cũng phải nêu tấm gương sáng về hoàn cảnh gia đình. Ở đây là một gia đình mà trong đó vợ, chồng, con cái người thân đảm bảo tôn trọng pháp luật; không vì lợi ích cá nhân, gia đình mà làm những điều trái với yêu cầu nhân dân đặt ra. Chính vì thế, anh phải nêu bật tấm gương về phẩm chất, đạo đức, năng lực trong điều kiện còn làm việc và trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Tôi nghĩ những tiêu chuẩn này rất sát với thực tiễn.
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có 1 trong 7 khuyết điểm?
Với 1 trong 7 khuyết điểm thì Đảng không cho phép lựa chọn những trường hợp có khuyết điểm đó vào Ban chấp hành Trung ương là hoàn toàn chính xác. Tôi cho đó là vấn đề để đảm bảo Đảng trong sạch, vững mạnh. Chính những yêu cầu đặt ra đó để đảm bảo sự liêm chính, chí công, vô tư, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân, của Đảng lên trên hết. Thông qua bộ lọc đó, chúng ta sẽ lựa chọn chắc chắn từ cơ sở, có sự tham gia người dân ở địa bàn dân cư, mặt trận đoàn thể, của dư luận quần chúng, báo chí… để làm sao những thành phần đó phải bị tách biệt, không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cấp ủy các cấp. Cấp ủy các cấp cũng phải đảm bảo những người có khuyết điểm đó, có hành vi thiếu đạo đức, thiếu liêm chính đó phải bị loại ra, nếu không sẽ ảnh hưởng đến bộ máy lãnh đạo của Đảng ở các cấp, đặc biệt cấp chiến lược thì càng cần phải coi trọng vấn đề này.
- Về giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến khâu giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Vậy theo ông, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cần được nhìn nhận ra sao?
Đây là vấn đề quan trọng, vì ngoài việc giới thiệu, đề xuất của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thì vấn đề của người giới thiệu là phải chịu trách nhiệm về quá khứ trong sạch, phẩm chất đạo đức, tài năng của người cán bộ đó. Người giới thiệu phải là người đã cùng trải qua thời gian làm việc với cán bộ đó, hiểu biết về quá khứ của họ, từ đó giới thiệu vào thì cũng phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ rèn luyện đồng chí đó để bảo đảm đáp ứng yêu cầu vị trí công việc. Không phải giới thiệu xong là bỏ mặc đó, không thể hiện trách nhiệm gì.
- Một số ý kiến đề nghị cần công khai quy hoạch nhân sự trước Đại hội Đảng để đảng viên, nhân dân biết và giám sát. Ý kiến ông về vấn đề này ra sao?
Sau khi có đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng thì việc thực hiện nhiệm vụ là do cán bộ. Trong quá trình đó, không chỉ có một mình cán bộ làm được mà phải có sự kết nối chặt chẽ với nhân dân. Bởi vì công việc của Đảng cũng là công việc của nhân dân. Và Đảng ta cũng không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia, dân tộc. Cho nên những người được nhân dân tín nhiệm thì cũng có nghĩa đội ngũ được Đảng lựa chọn là chính xác.
Được nhân dân tín nhiệm có nghĩa cán bộ đó có đủ đức, đủ tài, hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị hay ở một cấp nào đó, được dân chúng tin yêu và gửi gắm niềm tin. Mà muốn đo được sự tín nhiệm của nhân dân thì phải có cơ chế, ví dụ như việc cần thiết công khai quy hoạch nhân sự Trung ương dự kiến để toàn dân được biết và được đóng góp ý kiến. Người dân sống cùng khu dân cư hay cùng sinh hoạt trong một đoàn thể với cán bộ nên họ biết rõ ai là người tốt, người xấu, biết rất rõ gia đình của cán bộ như thế nào, công việc, mối quan hệ với quần chúng nhân dân ở địa phương ra sao, vì vậy tiếng nói góp ý của người dân rất quan trọng.
Cán bộ là công việc gốc của Đảng và việc lựa chọn cán bộ là một quá trình lâu dài. Trong quá trình đổi mới, chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã loại trừ những nhân tố không phù hợp, đưa những nhân tố tích cực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đã đề ra để đưa vào diện quy hoạch. Lựa chọn cán bộ thì phải dựa vào hoạt động thực tiễn của họ ở một ngành, lĩnh vực hay ở một địa phương cụ thể, chứ không phải đưa ra những tiêu chuẩn chung chung. Cán bộ nào tốt thì sẽ bộc lộ được những phẩm chất tốt cũng như thể hiện bằng trình độ, năng lực thực tiễn trong giải quyết công việc, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, đến lĩnh vực được phụ trách. Trong quá trình đó, nhân dân thấy rõ người nào tích cực, hoàn thành nhiệm vụ, người nào bộc lộ những yếu kém. Do đó, tôi cho rằng, việc công khai quy hoạch nhân sự Trung ương cũng rất cần thiết.