Trong hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2019 là năm bản lề thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ 2016-2020, cũng là năm “nước rút” của tiến trình cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Tất cả những sự kiện đó đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động của Tòa án các cấp, là động lực để mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án phấn đấu nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Báo cáo tóm tắt công tác Tòa án từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, số lượng các loại vụ án được các Tòa án thụ lý, giải quyết tăng mạnh so với các năm trước, tính chất ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần “trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, TANDTC đã thường xuyên ban hành các nghị quyết, chỉ thị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai công tác.
Với trọng tâm công tác là nâng cao chất lượng xét xử, Toà án đã áp dụng nhiều giải pháp như: hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; đổi mới công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ; tăng cường hoà giải, đối thoại; thắt chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; ứng dụng công nghệ thông tin….
Theo thống kê của TANDTC, từ ngày 1-12-2017 đến ngày 30-11-2018, các tòa án đã giải quyết được 499.013 vụ, việc trong tổng số 558.152 vụ, việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 89,4%); số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ, việc đã thụ lý tăng 5.086 vụ (tăng 0,9%), đã giải quyết tăng 57.634 vụ (tăng 13%); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 1,16% (giảm 0,04% so với cùng kỳ năm 2017).
Đặc biệt, trong năm 2018, các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 256 vụ, với 602 bị cáo phạm các tội tham nhũng, so với năm 2017, số bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng tăng 186 bị cáo. Các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, điển hình như: vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank)…
Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, trong năm 2019 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu hệ thống Tòa án nhân dân tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai và bỏ lọt tội phạm; chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống, đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho Toà án trong thời kỳ hội nhập quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao năng lực trong các hoạt động và phục vụ nhân dân, từng bước xây dựng Tòa án điện tử.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự tin tưởng với nỗ lực và quyết tâm cao; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dù phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức và không ít cám dỗ, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp sẽ luôn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.