Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV đã khai mạc tại Nhà Quốc hội sáng nay, 21-2 và dự kiến sẽ diễn ra trong trọn vẹn 1 ngày làm việc.
Theo chương trình nghị sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến đối với một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 2 dự án luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Bên cạnh đó, việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc cũng sẽ được cơ quan thường trực của Quốc hội cho ý kiến.
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án giải trình, tiếp thu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, một trong số những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật này chính là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.
Theo đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát. Những đại biểu có ý kiến này đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án, nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế…
Nhiều ý kiến trong Ủy ban thẩm tra cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn, để luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành. Cũng có ý kiến đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành, vì không cần thiết điều chỉnh. Luật Đầu tư công hiện hành cũng đã quy định trong trường hợp cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội được điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nói rõ quan điểm không nên thay đổi tiêu chí phân loại, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề: 4 năm mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì thì tại sao phải nâng quy mô lên? “Nâng lên như đề xuất thì có lẽ Quốc hội chẳng quyết định dự án nào nữa”, ông Phúc bình luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng mức điều chỉnh tăng lên đến 35 ngàn tỷ đồng (với dự án nhóm A) là cao quá. Vướng mắc ở khâu nào, cần xác định rõ. Theo Chủ tịch Quốc hội, “có dự án quyết định gần 1 năm còn chưa triển khai, chưa giao vốn, tiền có mà không chi được, cái đó có phải do Quốc hội hay do luật không, hay do trình tự thủ tục, do trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì lưu ý, thời gian qua có dấu hiệu một số dự án lúc đầu định đưa ra Quốc hội quyết nhưng sau đó lại chia nhỏ ra để không cần trình Quốc hội quyết. Vì đưa ra Quốc hội thì trình tự phức tạp hơn, giám sát chặt chẽ hơn. “Thực tế, một số dự án không thông qua Quốc hội sau đó đã phải giải quyết hậu quả bằng nhiều cách khác nhau”, bà Lê Thị Nga cảnh báo.
Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu làm rõ vì sao phải điều chỉnh, tiêu chí điều chỉnh, chứ không thể “tự nhiên nhảy lên 35 ngàn tỷ đồng”.