Sáng 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 21. Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá (sửa đổi). Dự thảo luật dự kiến được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp |
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì quỹ là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước; khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp”, bản báo cáo nêu rõ.
Quang cảnh phiên họp |
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.
Ở góc nhìn khác, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của quỹ.
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất. Trong khi đó, nếu cần, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao.
Tham gia ý kiến thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhiều lần nêu quan điểm đề nghị bỏ quỹ này vì không đạt được các mục tiêu đề ra; nguyên tắc trích lập, chi sử dụng quỹ chưa rõ ràng; việc quản lý chưa thực sự công khai, minh bạch.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá nói chung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, cần giữ quy định về quỹ bình ổn giá trong Luật Giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Bên cạnh đó, việc giữ quy định về thành lập quỹ như dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động.
Về thẩm quyền thành lập, dự thảo luật thiết kế 2 phương án để báo cáo UBTVQH xem xét.
Phương án 1: Quỹ Bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Phương án 2: Quỹ Bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ trình Quốc hội và trong thời gian giữa 2 kỳ họp, Chính phủ trình UBTVQH quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.