
Sau khúc ca khải hoàn mừng ngày giải phóng, chính quyền và người dân thành phố bắt tay xây dựng cuộc sống mới với bao bộn bề, phức tạp. Bởi vừa mới hôm qua, thành phố Sài Gòn được xem là “thủ đô” đầu não của chính quyền địch, với gần 4 triệu dân cùng một bộ máy quân sự, dân sự khổng lồ vừa sụp đổ, ngổn ngang sau chiến tranh. Công cuộc hồi sinh cuộc sống mới của thành phố Sài Gòn bởi thế không hề giản đơn. Một bộ máy của chính quyền mới ở thời điểm này mang tính chất QUÂN QUẢN là hết sức cần thiết.
Ngay trên trang nhất Báo SGGP số ra đầu tiên đã đăng Thông báo về việc thành lập Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định, do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Ngày 7-5-1975, Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã chính thức ra mắt người dân thành phố.
Trong thời gian 8 tháng hoạt động, Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã ban hành gần 100 Thông cáo, Mệnh lệnh Báo Sài Gòn Giải Phóng đều đăng để chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực đời sống của thành phố, từ giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống, duy trì và phát triển kinh tế, văn hóa...


Theo tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam:
“Ủy ban quân quản ra đời và hoạt động trong hoàn cảnh thật đặc biệt, trước vô vàn khó khăn, phức tạp do hậu quả nặng nề của chiến tranh và của chủ nghĩa thực dân mới để lại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra và ta giành thắng lợi nhanh chóng. Ở Sài Gòn - Gia Định, toàn bộ chính quyền và quân đội ngụy đầu hàng và tan rã tại chỗ với khoảng 300.000 tàn quân (chưa kể cảnh sát, tình báo, tề) mới tan rã về tổ chức, nhưng tướng tá chỉ huy còn đó và súng đạn chưa thu hồi hết. Ngoài ra, các thế lực phản cách mạng còn chưa bị quét sạch, giai cấp tư sản mại bản và phần còn lại của giai cấp địa chủ phản động chưa bị xóa bỏ. Chế độ cũ để lại cho thành phố một nền kinh tế thực dân mới phá sản sau một cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài tiền mất giá, nông nghiệp bị tàn phá, công nghiệp bị đình đốn vì lệ thuộc, thiếu nhiên và nguyên liệu. Thành phố xuất hiện nguy cơ xảy ra nạn đói.
Theo chỉ đạo của Trung ương Cục, nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban quân quản tập trung vào các nội dung sau đây:
+ Nhanh chóng tiếp quản các cơ sở quân sự, hành chánh, kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế xã hội, khoa học kĩ thuật của ngụy quân, ngụy quyền;
+ Đồng thời tiếp tục đánh địch, truy lùng tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng, thiết lập trật tự trị an của thành phố;
+ Ổn định đời sống quần chúng, cứu tế đồng bào thiếu đói, đưa dần một bộ phận quần chúng bị địch di tản và gom tát từ trước hồi cư, từng bước khôi phục những cơ sở bảo đảm cuộc sống của nhân dân và sắp xếp công ăn việc làm cho quần chúng;
+ Xây dựng lực lượng ta về các mặt, chủ yếu xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh;
+ Chuẩn bị những điều kiện chuyển sang chính quyền cách mạng.”
Ngay từ những ngày đầu, Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã ra một loạt THÔNG CÁO, MỆNH LỆNH, nhằm ổn định mọi mặt cuộc sống của thành phố theo chỉ đạo cụ thể nêu trên của Trung ương Cục.

THÔNG CÁO SỐ 1 ngày 6-5-1975 có đoạn:
Điều 4: Từ nay trở đi, kẻ nào còn có âm mưu và hành động phá hoại an ninh thành phố như: thu thập tình báo, võ trang bạo loạn, ám hại cán bộ, chiến sĩ cách mạng, tiến hành chiến tranh tâm lý, phao tin đồn nhảm, cưỡng ép nhân dân chạy theo địch, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại việc thực hiện chính sách và những quy định của chánh quyền cách mạng đều bị nghiêm trị.
Điều 5: Từ nay trở đi, kẻ nào phá rối trật tự: đốt cháy, gây nổ, đầu độc, giết người, tống tiền cướp của, hãm hiếp phụ nữ, lợi dụng tình hình lấy cắp, hôi của, hoặc có những hành động khác xâm phạm đến tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của chính quyền cách mạng đều bị nghiêm trị.
Điều 7: Mọi hoạt động của các nhà chứa gái điếm, tiệm nhảy, tiệm hút và hoạt động văn hóa nô dịch, đồi trụy theo kiểu Mỹ đều bị nghiêm cấm.

MỆNH LỆNH SỐ 1 ban hành ngày 5-5-1975 có đoạn:
Điều một: Tất cả sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo mật vụ, nhân viên các cấp ngụy quyền trong thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định đều phải ra trình diện và đăng ký thời hạn bắt đầu từ ngày 8-5-1975 cho đến ngày 31-5-1975 là ngày cuối cùng.
Điều hai:
A) Cấp tướng và tá trình diện và đăng ký tại số nhà 213 Đại lộ Hồng Bàng, cấp úy trình diện và đăng ký tại ủy ban nhân dân cách mạng quận, cấp hạ sĩ và binh lính trình diện và đăng ký tại ủy ban nhân dân cách mạng phường.
B) Cảnh sát công an tình báo mật vụ trình diện và đăng ký tại trụ sở Ban an ninh nội chính thuộc ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn.
C) Nhân viên, công chức làm việc tại nhiệm sở nào trình diện và đăng ký tại nhiệm sở nấy.
Điều năm: Mệnh lệnh này phải được triệt để chấp hành đến 24 giờ ngày 31 (ba mươi mốt) tháng 5 (năm) năm 1975, những người không ra trình diện cố tình lẩn trốn sẽ bị nghiêm trị, những người đã ra trình diện đăng ký nhưng còn khai gian, giấu diếm võ khí, tài liệu, phương tiện nghĩa là chưa thành thật, sau này phát hiện ra thì xem như không tuân lệnh. Người nào đăng nạp vũ khí, tài liệu, khí tài vật tư quý giá và phát hiện nhiều vấn đề có giá trị khác sẽ được xét khen thưởng xứng đáng.

Bài “Trong vòng 5 ngày đã có 23 tướng ngụy đã ra trình diện” trên trang 1 SGGP ngày 15-5-1975 có đoạn:
“Trong khi trình diện, nhiều viên tướng ngụy đã phát biểu cảm tưởng nêu rõ họ cũng được giải phóng. Nguyễn Văn Vỹ, trung tướng, nguyên là tổng trưởng quốc phòng ngụy nói: Tôi hiểu rõ quân đội trong này lắm, tệ lắm, xấu lắm, và mấy ngày nay thấy rõ bộ đội cách mạng rất kỷ luật, chững chạc đàng hoàng. Anh em vào nhà tôi ở cầu Thị Nghè, không hề bị mất mát gì hết. Cách mạng vào, yên ổn thanh bình ngay, ai cũng yên tâm và sung sướng”.