Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ủy ban đã quy định rõ nguyên tắc ủy ban chỉ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp do các bộ quản lý ngành thực hiện.
Trong mối quan hệ với doanh nghiệp, ủy ban chỉ thực hiện các quyền, trách nhiệm theo đúng quy định của Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp), không thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp trong lĩnh vực điều hành, quản trị kinh doanh.
Về chế độ tiền lương, phụ cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do chưa có quy định pháp luật rõ cơ quan thuộc Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc thù so với Nghị định 204/2004/NĐ-CP (về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang) nên dự thảo quy định: “Các chức danh lãnh đạo ủy ban, lãnh đạo các đơn vị thuộc ủy ban được hưởng chế độ tương đương các chức danh lãnh đạo cơ quan ngang bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc cơ quan ngang bộ” để tạo động lực cho bộ máy thực thi công việc (trong khi ủy ban được quy định là cơ quan trực thuộc Chính phủ).
Dự kiến, ủy ban sẽ gồm 9 vụ, trung tâm là: Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Vụ Năng lượng, Vụ Công nghệ và hạ tầng, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế - Kiểm soát nội bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng và đơn vị sự nghiệp là Trung tâm thông tin.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, cho biết, do khối lượng công việc lớn nên kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cử thêm cán bộ biệt phái để tiếp nhận 19 doanh nghiệp nhà nước về ủy ban trong thời gian tới và có thể ra mắt ủy ban chậm nhất vào đầu tháng 10.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với cơ chế tiền lương, phụ cấp như dự thảo của nghị định nhưng cần phải làm rõ hơn về thẩm quyền, cơ sở pháp lý áp dụng ở ủy ban như đối với cơ quan ngang bộ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Chính phủ, từ đó tổng hợp, bổ sung để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định trong tháng 9. “Các bộ, ngành liên quan vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho ủy ban sớm hoạt động vào tháng 10”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.