Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo số 286/BC-CP của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, với tỷ lệ số lượt tiếp công dân được thủ trưởng ủy quyền cho cấp dưới là 20,7% như nêu trong báo cáo, cao hơn gần 3% so với tỷ lệ ủy quyền trung bình chung của giai đoạn 2016-2021 thì chưa đủ cơ sở để đánh giá, nhận định thuyết phục về sự chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân năm 2022.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ trong phụ lục các số liệu về công tác tiếp công dân (số ngày tiếp trong năm) của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là đối với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chủ tịch UBND cấp tỉnh. Các nội dung khác cũng cần bổ sung là kết quả tiếp công dân gắn với trách nhiệm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn do mình phụ trách cũng như “địa chỉ” cụ thể của cơ quan, địa phương có tỷ lệ thủ trưởng tiếp công dân thấp để yêu cầu chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm.
Ông Hoàng Thanh Tùng lưu ý, đối với khiếu nại, về cơ cấu lĩnh vực cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm tỷ lệ 64,6%, không giảm so với năm 2021). Điều đó cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan thời gian qua chưa hiệu quả, chưa tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập dẫn đến phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.
Hiện nay, Bộ TN-MT đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 6 nghị định về đất đai để tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, giải pháp căn cơ là cần khẩn trương, tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) sớm trình Quốc hội xem xét - người đứng đầu Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Trong quá trình sửa đổi cần tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để các quy định của luật sau khi được Quốc hội ban hành thực sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời phải bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến đất đai.
Đối với tố cáo, tương tự như các năm trước, nội dung chủ yếu vẫn là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ. Tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ cao (81,9% tổng số vụ việc, giảm 2,7% so với năm 2021.
Nguyên nhân chủ yếu gần như không thay đổi so với năm trước. Như chính báo cáo của Chính phủ nêu, là do "công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ hoặc thiên lệch trong thực thi công vụ; thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức".
Đại diện cơ quan thẩm tra lo ngại: “Thực trạng này cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự liêm chính, khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp".