Ủy ban Kinh tế yêu cầu rút kinh nghiệm điều hành giá xăng ​ ​

Trong khi Chính phủ nhìn nhận, công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, “nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu” thì báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá xăng dầu thế giới diễn biến bất lợi.

 

Rất đông người dân chờ đợi để mua xăng
Rất đông người dân chờ đợi để mua xăng

Báo cáo tại phiên họp sáng 11-10 của UBTVQH, Chính phủ nhận định đã chủ động các phương án điều hành giá xăng dầu, kịp thời điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp, giúp giảm đáng kể áp lực chi phí đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng.

Năm 2023, Chính phủ cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, kịp thời cảnh báo rủi ro, nhất là nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, đặc biệt là đối với giá xăng, dầu, nguyên liệu sản xuất; trên cơ sở đó, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách để kiểm soát lạm phát, trong đó có chính sách thuế, phí đối với xăng, dầu. Công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng, dầu, cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác; điều tiết hài hòa lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế lưu ý, tuy tình hình lạm phát vẫn được kiểm soát, song trong thời gian từ đầu đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: "Có ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng”.

Cơ quan thẩm tra đề nghị phân tích nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá xăng dầu thế giới có những diễn biến bất lợi trong tương lai.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu. Khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, không giảm giá, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Tin cùng chuyên mục