Ủy ban Kinh tế: Tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần

Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Báo cáo cho rằng, một trong những điểm sáng nổi bật nhất của năm 2023 là công tác giải ngân vốn đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 93% kế hoạch, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 132.000 tỷ đồng so với năm 2022, qua đó đưa một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, giải quyết đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, tạo việc làm, hỗ trợ tăng trưởng, sản xuất kinh doanh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông được quyết liệt triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Đây là những thành tựu nổi bật, rất đáng ghi nhận của Chính phủ trong việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đoàn TPHM.jpg
Phiên họp Quốc hội sáng 20-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện. Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% khiến bình quân tăng trưởng 3 năm đầu nhiệm kỳ chỉ đạt hơn 5,2%, đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021 - 2025 (6,5 - 7%). Mặc dù cao hơn mức bình quân các nước ASEAN (4,3%) nhưng chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa thực sự được cải thiện, vẫn còn phụ thuộc khu vực FDI; quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững và chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp, khuyến khích các động lực tăng trưởng mới thích ứng với nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh chưa có tác động rõ nét.

Vũ Hồng Thanh.jpg
Đồng chí Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra, cho thấy dấu hiệu giảm sút với mức tăng 3,65% của năm 2023 (thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019).

Có ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu, với bối cảnh nhu cầu trong nước sụt giảm thì việc kích cầu nội địa khó mang lại kết quả như kỳ vọng. Nguyên nhân có thể do hệ thống an sinh xã hội chưa đủ vững chắc và thu nhập sau thuế tăng chậm...

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 mức tăng trước đây.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Cụ thể, cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính phủ cần đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Thêm vào đó, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cùng với các có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư…

Tin cùng chuyên mục