Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8%-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6%-6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam…
Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới (đã hoàn thành đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021km; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công).
Bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, việc đạt được mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn… chưa chuyển biến rõ nét. Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; lạm phát chịu áp lực lớn hơn trong những tháng cuối năm; xuất siêu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.
Giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%); vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước. Có ý kiến cho rằng, với cùng một hệ thống pháp luật, thực tế kết quả triển khai ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là khác nhau, vì vậy, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân 1 tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Cơn bão số 3 có những ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời; dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả…
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá..
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cục diện thế giới dự báo sẽ có những diễn biến, chuyển động, thay đổi khó lường hơn. Ủy ban cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo báo cáo của Chính phủ, đồng thời lưu ý Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội trong điều kiện bất định; kiểm soát lạm phát, tỷ giá.
Chính phủ cần tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức toàn cầu; tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là điện, xăng, dầu; bảo đảm nguồn cung và ổn định giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật…