Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số. Với những thành tựu khoa học - công nghệ tác động ngày càng mạnh mẽ lên mọi mặt hoạt của xã hội, chính phủ số cùng với nền kinh tế số và xã hội số đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhiều chính phủ và quốc gia trên thế giới. Nhưng, để có được điều đó, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số được xem là một đòi hỏi vô cùng cấp thiết hiện nay.
Cần hoàn thiện và sẵn sàng
Văn phòng Chính phủ (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử - CPĐT) cho biết, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra khuyến nghị về các chiến lược chính phủ số từ năm 2014.
Trong đó, OECD phân biệt rõ giữa CPĐT (là nơi công nghệ được ứng dụng để cải tiến hiệu quả các quá trình hiện hữu) và chính phủ số (là nơi các dịch vụ được hình thành ý tưởng và cung cấp theo những cách đổi mới, sáng tạo nhờ có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại).
Theo GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), phải có hạ tầng số thì mới xây dựng được chính phủ số và kinh tế số. Trong đó, các thành phần để xây dựng hạ tầng số gồm thiết bị kết nối, dữ liệu và ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực.
Hạ tầng thiết bị ở đây là máy móc điện tử, hạ tầng dữ liệu là cơ sở dữ liệu (CSDL), công nghệ, quy trình, cách vận hành CSDL. Với hạ tầng ứng dụng, đó là công cụ để khai thác dữ liệu đã có, một phần của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), của Big Data... GS Hồ Tú Bảo cho rằng, việc xây dựng hạ tầng số cần sự kiên trì và thời gian lâu dài.
Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành một bộ tiêu chuẩn chung để các địa phương từ đó mà làm theo, tránh việc chờ đợi lẫn nhau, hoặc không biết phải làm thế nào hay làm không tốt phải sửa lại.
Ông Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, cho rằng để phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số theo đòi hỏi của CMCN 4.0, cần phải ưu tiên phát triển hạ tầng số tương ứng.
Hiện nay, Viettel đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án CSDL quốc gia về dân cư (dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước), CSDL ngành y tế như xây dựng hồ sơ sức khỏe người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em…; đồng thời Viettel cũng đang bắt tay xây dựng CSDL quốc gia cho các lĩnh vực làm nền tảng phát triển chính phủ số kiến tạo.
Không chỉ Viettel, hiện nay các công ty công nghệ lớn của Việt Nam như VNPT, FPT, CMC đều đã tuyên bố sẵn sàng với quá trình số hóa toàn diện, trước hết là phần xây dựng và phát triển hạ tầng số.
Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long cho biết, doanh nghiệp (DN) này đã triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược VNPT 4.0). Theo đó, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ giai đoạn tái cơ cấu đầu tiên, VNPT đã định hướng đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ số, hệ sinh thái cũng như hoàn thiện nền tảng hạ tầng số.
Quyết tâm và chính sách thực thi
Mới đây, Tập đoàn Công nghệ CMC đã chính thức ra mắt Hệ sinh thái hạ tầng mở cho DN và tổ chức C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise). Đây là một hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC như nền tảng Multi-Cloud, nền tảng dữ liệu, AI và nền tảng ứng dụng. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, cho biết hệ sinh thái hạ tầng mở là bước tiếp theo trong định hướng chiến lược 5 năm của tập đoàn.
Hệ sinh thái C.OPE2N cho phép các cơ quan, DN và khách hàng có thể liên kết, chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số. Với hệ sinh thái này, CMC muốn đồng hành cùng xây dựng quốc gia số, đưa Việt Nam trở thành “Hub” về kết nối và lưu trữ dữ liệu, chia sẻ tri thức của thế giới về Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Trong năm 2019 Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số. Do vậy, chúng ta cần một hạ tầng mới cho nền kinh tế số, bao gồm hạ tầng viễn thông theo định nghĩa truyền thống và hạ tầng dữ liệu. Và C.OPE2N của CMC là một hạ tầng như vậy”.
Người đứng đầu ngành thông tin - truyền thông khuyến khích và mong muốn sẽ có nhiều DN đầu tư cho hạ tầng kinh tế số, bởi hạ tầng luôn phải đi trước một bước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hiện có trên 700.000 DN đang hoạt động, nếu tính cả các hộ kinh doanh thì có tới trên 6 triệu các chủ thể thị trường.
Để thực chuyển đổi số cho 6 triệu chủ thể này, không có cách nào khác là phải dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Do vậy, ta sẽ phải cần đến hàng chục ngàn DN làm dịch vụ chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng nhiều lần khẳng định: Xây dựng CPĐT hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước!
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc phát triển hạ tầng số cần phải có một kế hoạch dài hơi và một lộ trình cụ thể. Trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng CPĐT hướng tới nền kinh tế số và xã hội số, trước hết là các quy định pháp luật về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; tạo dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu, dữ liệu mở; kết nối và chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân... |