Bộ GTVT vừa có thông tin phản hồi trước những bức xúc của dư luận về tình trạng thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới vận hành.
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc là do các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ. Từ đó, dẫn đến việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ nhu cầu của người dân.
Hiện mới có 7 trạm dừng nghỉ của các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đưa vào khai thác, gồm: 2 trạm trên cao tốc Bắc Giang - Hà Nội; 1 trạm trên đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình; 1 trạm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; 1 trạm trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên; 1 trạm trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và 1 trạm trên cao tốc Bến Lức - Trung Lương.
Theo quy hoạch mạng lưới trạm dừng nghỉ đã được Bộ GTVT phê duyệt, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm với khoảng cách bình quân giữa các trạm là 59km. Ngoài 7 trạm đã được đưa vào khai thác và 2 trạm đang đầu tư, 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện.
Trong số đó, Bộ GTVT ưu tiên kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Bộ GTVT cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả. Dự kiến, việc công bố danh mục dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 8. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng 3 - 5 tháng. Thời gian dự kiến để nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9 - 12 tháng.
Với 19 trạm còn lại, các ban quản lý dự án sẽ triển khai lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư để đưa vào khai thác các trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đường cao tốc năm 2025.