Ưu tiên vốn đầu tư giao thông khu vực Nam bộ

Chính phủ vừa chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhận định, đây là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ với dự án này mà với cả các công trình, dự án lớn, có tầm ảnh hưởng rộng khác.

Chính phủ vừa chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhận định, đây là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ với dự án này mà với cả các công trình, dự án lớn, có tầm ảnh hưởng rộng khác.

* Phóng viên: Nhiều tài xế trong Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM thường nói vui, ở phía Nam “xe chờ đường” còn nhiều địa phương ở phía Bắc “đường chờ xe”. Nếu đây là sự thật thì rõ ràng việc đầu tư xây dựng đường rồi để “đường chờ xe” là không hợp lý?


* Ông Hoàng Minh Trí: Phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nhu cầu hiện tại là việc được nhiều nước trên thế giới thực hiện khi phát triển hệ thống giao thông. Đặc biệt ở những nước còn nhiều khó khăn như nước ta. Họ có thể quy hoạch đường rất lớn cho 20 - 30 năm sau nhưng hiện tại nhu cầu đi lại chưa nhiều họ sẽ làm trước 1 - 2 làn đường ở hai bên. Phần ở giữa chưa dùng tới, họ sẽ trồng cây xanh để giữ đất. Khi nào nhu cầu đi lại tăng cao, họ sẽ mở rộng dần. Việt Nam nên nghiên cứu thêm cách thức này.

Phương tiện giao thông từ ĐBSCL vào TPHCM theo quốc lộ luôn trong tình trạng quá tải

* Trước mắt, theo ông TPHCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung phải làm gì để giải quyết tình trạng quá tải về giao thông?

* Về phía Chính phủ, nên ưu tiên tập trung các nguồn vốn từ ngân sách, vốn vay cho phát triển hệ thống giao thông khu vực Nam bộ. Đặc biệt, với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, nên ưu tiên phần lớn số tiền ngân sách mà Chính phủ hỗ trợ (nếu có) cho phát triển hệ thống đường cao tốc tại khu vực Nam bộ. Bên cạnh đó, Chính phủ nên tạo cơ chế ưu đãi cho các địa phương chủ động kêu gọi xã hội hóa, đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông. Đối với TPHCM - nơi có quỹ đất hấp dẫn các nhà đầu tư, Chính phủ nên cho phép thành phố chủ động khai thác quỹ đất bằng hình thức đấu giá đất để tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Về phía các địa phương, cũng phải chủ động kêu gọi các nhà đầu tư tham gia bằng việc cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư.

* Có ý kiến cho rằng, nền đất khu vực Nam bộ yếu, chi phí đầu tư lớn, rủi ro trong xây dựng đường nhiều hơn so với khu vực Bắc bộ nhưng các quy định về thu phí hoàn vốn của Bộ Tài chính lại không tính đến đặc thù này. Do vậy, các nhà đầu tư ngại đầu tư cầu, đường ở khu vực Nam bộ. Ông nghĩ sao về việc này?

* Đúng là nền đất khu vực Nam bộ yếu nên chi phí đầu tư lớn, rủi ro trong thi công dễ xảy ra, song bù lại nơi đây có nhu cầu đi lại cao nên cân đối lại, nhà đầu tư vẫn sẽ có điều kiện thu hồi vốn tốt nếu có phương án đầu tư hợp lý. Tất nhiên, với các vùng đất quá yếu, chi phí xây dựng quá cao, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ ngành liên quan có thể “ngồi lại” cân nhắc thêm các quy định về thu phí hoàn vốn để khuyến khích các nhà đầu tư, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khu vực Nam bộ.

NGUYỄN KHOA - QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục