CƠ CHẾ ĐẶC THÙ - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY TPHCM PHÁT TRIỂN

Ưu tiên vấn đề bức thiết trong triển khai thực hiện

Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã thổi làn gió mát vào TP vốn đang bị ngột ngạt vì sức ép của dân số gia tăng cơ học không ngừng, sức ép của hạ tầng cơ sở đô thị bất cập, của TP cũ đang xuống cấp, đô thị hóa vùng ven đang tự phát lan tràn, và cơ chế điều hành quản lý xã hội vẫn giống như các tỉnh nông thôn, miền núi...
Cao ốc tái định cư tại quận 2. Ảnh: CAO THĂNG
Cao ốc tái định cư tại quận 2. Ảnh: CAO THĂNG
Trong thời gian 3 năm, mục tiêu của TPHCM là triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm một cách hiệu quả, thiết thực. Đồng thời chứng minh được mô hình mới, phương thức và phương pháp mới là ưu việt so với hiện nay để TPHCM phát triển nhanh, bền vững với tư cách là đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước.

Muốn đạt mục tiêu đó, chính quyền TPHCM cần chọn lựa một số vấn đề quan trọng và bức thiết nhất để thực hiện. Từ đó thu hút nhân dân tích cực ủng hộ và tham gia các thí điểm và ủy quyền. Vì vậy, điều kiện trước tiên là mọi chủ trương chính sách cần phải phổ biến công khai, minh bạch và tổ chức cho nhân dân thảo luận dân chủ, các đoàn thể quần chúng và chuyên gia, nhà khoa học phản biện, góp ý, đề xuất...

Khắc phục bất hợp lý của chính sách quản lý đất đai


Cơ chế, chính sách đất đai hiện nay có điều chưa hợp lý. Người lao động có thu nhập thấp không có nhà ở như Hiến pháp quy định, trong khi “đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý”. Vì vậy, chính quyền TPHCM cần làm thí điểm để khắc phục bất hợp lý này.

Trong thời gian 3 năm làm thí điểm có thể đặt yêu cầu xây dựng mới hàng ngàn căn hộ bằng chính sách đặc thù trên nhiều vấn đề. Đó có thể là điều chỉnh quy hoạch tổ chức lại không gian đô thị, điều chỉnh quy hoạch để dành mặt bằng thỏa đáng cho “nhà ở xã hội”; là chính sách mua lại diện tích của các dự án không triển khai đúng hạn, chính sách miễn tiền thuê đất có thời hạn (ví dụ 15 - 20 năm); hoặc chính sách tín dụng dài hạn với lãi suất thấp (bằng cách cân đối lại tín dụng cho địa ốc kinh doanh và địa ốc đầu cơ với nhà ở cho nhân dân), tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với địa ốc kinh doanh cao cấp, miễn thuế cho các hợp tác xã xây dựng nhà ở, giảm thuế cho các công ty xây dựng, kinh doanh nhà ở xã hội... Ngoài ra, đất đai còn là điều kiện thiết yếu làm mặt bằng cho xây dựng công trình công cộng, cơ sở vật chất của mọi ngành, lĩnh vực. Cho nên cần quy hoạch và sử dụng hết sức chặt chẽ, tiết kiệm.

Đặc biệt, để khắc phục hiện trạng bất cập ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường... một cách triệt để, đồng thời hướng tới tổ chức chính quyền đô thị 2 cấp, cần điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị và điều chỉnh mặt bằng xây dựng công trình công cộng, cơ sở vật chất cho kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng với tầm nhìn dài hạn theo hướng TP đa trung tâm, trung tâm và vệ tinh. TPHCM cần có kế hoạch lập dự án điều chỉnh quy hoạch và triển khai 2 thí điểm: chính quyền cấp cơ sở và đô thị vệ tinh của TPHCM có chính quyền đô thị 2 cấp hoàn chỉnh.

Thuế, phí phải định hướng hành vi và tạo nguồn thu

Về thuế và phí, chính quyền TPHCM cần xác định mục đích thu thuế và phí trong tình hình TPHCM đang nổi lên nhiều vấn đề bức xúc. Đó là ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu - nghèo tăng nhanh do kẽ hở của chính sách nhà nước trong phân bổ nguồn lực và ưu đãi không hợp lý về đối tượng, về lĩnh vực, ngành hay loại sản phẩm. Thuế và phí cũng biểu thị định hướng hành vi công dân, đồng thời gia tăng nguồn thu ngân sách cho đầu tư phát triển. Những loại thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng cao là ô tô con, nhà ở và căn hộ cao cấp từ căn thứ 2 trở lên, rượu, bia, thuốc lá, vàng mã.

Thí điểm thuế môi trường toàn diện và thực hiện định mức khí thải, định mức tiêu hao năng lượng hóa thạch theo chuẩn các nước tiên tiến.

Tăng tất cả các loại phí, lệ phí hiện có trong danh mục nhà nước với lý do các loại phí, lệ phí đó áp dụng cho những tỉnh - thành trung bình, còn TPHCM có nhu cầu cao hơn, chỉ tiêu và tiêu chuẩn phục vụ nhân dân của đô thị đặc biệt, đô thị thông minh khắt khe hơn các tỉnh, thành nói chung.

Ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá hỗ trợ cuộc vận động nhân dân bỏ hút, làm cho thuốc lá quá đắt đỏ, người có thu nhập thấp ngại bỏ tiền mua, và do đó họ đỡ mất tiền đi bệnh viện. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô con nhằm hạn chế gia tăng tình trạng kẹt xe, tạo điều kiện phát triển phương tiện vận tải công cộng. Đối với vàng mã, không chỉ có thuế tiêu thụ đặc biệt mà còn thuế sản xuất, kinh doanh vàng mã, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế doanh nghiệp, phí môi trường... để hạn chế, đi tới chấm dứt lãng phí và mê tín dị đoan về loại này.

Nghị quyết 54 cho phép tăng các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường đến 25%, TPHCM chấp hành mức này; sau 3 năm sẽ kiến nghị không đặt giới hạn nữa mà cho phép TPHCM tự quyết định. Mặt khác cần đề xuất thí điểm thu và tăng mức thuế một số loại thuế khác, như thuế tài sản, thuế sử dụng đất tùy theo mục đích sử dụng (như tăng thuế đối với địa ốc kinh doanh và địa ốc đầu cơ, giảm nhẹ đối với nhà ở xã hội). Các khoản thu được từ tăng thuế, phí nên đầu tư cho phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ cao.

Để quận - huyện tự cân đối ngân sách

Ngân sách TPHCM tuy lớn nhưng không đủ cho tiêu dùng thường xuyên cũng như cho đầu tư phát triển. Muốn có tốc độ tăng GRDP hàng năm khoảng 10% thì TPHCM cần tăng đầu tư 30%/năm (với chỉ số ICOR = 3,4). Rõ ràng, do tốc độ tăng vốn đầu tư thấp dẫn tới tốc độ tăng GRDP của TPHCM không đáp ứng kỳ vọng, làm cho động lực tăng trưởng của TP sút giảm và tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... cũng chậm được cải thiện vì thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, dù ngân sách chưa đủ chi nhưng chi tiêu không hợp lý còn phổ biến, thậm chí còn lãng phí nhiều.

Để có thể điều chỉnh cân đối ngân sách, xin kiến nghị lãnh đạo TPHCM có chủ trương để các quận - huyện tự cân đối ngân sách. Theo số liệu thống kê, quận 1 (thu ngân sách 1.626 tỷ đồng năm 2016), quận Gò Vấp (thu 1.360 tỷ đồng), huyện Hóc Môn (thu 1.590 tỷ đồng) là các địa phương có số thu ngân sách năm 2016 lớn nhất thì chi ngân sách của 3 quận - huyện này lần lượt là 668 tỷ đồng, 1.025 tỷ đồng và 1.224 tỷ đồng, là hoàn toàn tự cân đối được, không khó khăn.

Ngược lại, các địa phương có số thu ngân sách ít nhất như quận Phú Nhuận (600 tỷ đồng), quận 2 (749 tỷ đồng), huyện Nhà Bè (679 tỷ đồng) cũng tự cân đối được (với số chi ngân sách lần lượt là 480 tỷ đồng, 469 tỷ đồng và 648 tỷ đồng). Huyện Cần Giờ trước đây là huyện nghèo nhưng nay cũng khá lên và tự cân đối thu chi dễ dàng, thu 961 tỷ đồng, chi 632 tỷ đồng.

Vì vậy, TPHCM không cần bố trí khoản chi bổ sung ngân sách cấp dưới. Đồng thời thực hiện một số chủ trương như luân phiên đầu tư các quận - huyện để có thể tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hay cơ sở vật chất các ngành, lĩnh vực, tái cấu trúc công nghiệp, dịch vụ, tổ chức lao động trên địa bàn... Chủ trương giảm dần sử dụng điện hóa thạch, tăng nhanh đầu tư điện năng lượng mặt trời, điện gió, trước hết cho các công sở, vừa tiết kiệm ngân sách vừa cải thiện môi trường.

Ngoài ra, hiện nay công tác chi thường xuyên chưa chặt chẽ. Nhiều khoản chi dễ dãi, không cần thiết, lãng phí... như lễ tân, nghi thức, trang trí cơ quan quá mức. TPHCM có thể giảm mạnh các khoản chi thường xuyên như vậy để bổ sung cho tăng thu nhập cán bộ, công chức.
Cần điều chỉnh nguồn lực đầu tư hợp lý, hiệu quả hơn

Về đầu tư, những số liệu thống kê năm 2016 cho thấy vốn đầu tư trên địa bàn TPHCM vẫn theo cách hướng dẫn của các bộ ngành trung ương, tức là theo mô hình bình quân chung của các tỉnh - thành trong cả nước.
Trong đó, 4 lĩnh vực có tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn (giá hiện hành) là kinh doanh bất động sản và khách sạn nhà hàng (30,1%), công nghiệp chế biến (17,9%), thương mại dịch vụ (12,7%) và vận tải, kho bãi (11,1%). Ngoài ra, lĩnh vực “quốc sách hàng đầu” là giáo dục - đào tạo được đầu tư 1,4%; lĩnh vực khoa học - công nghệ “động lực của nền kinh tế” được 1,1%; y tế và cứu trợ xã hội được 1%. Các lĩnh vực quan trọng khác như sau: nông nghiệp 0,3%; sản xuất phân phối điện 2,8%; cấp nước và xử lý rác thải 2,9%; thông tin và truyền thông 1,6%; văn hóa, thể thao, giải trí 1%; xây dựng 4,3%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 7,3%.

Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội qua những con số trên đây rõ ràng thể hiện sự mất cân đối rất lớn. Đặc biệt, nếu so sánh cơ cấu vốn đầu tư cho giáo dục (1,4%), khoa học (1,1%), y tế (1%), văn hóa, thể dục thể thao, giải trí (1%), với cơ cấu vốn đầu tư cho địa ốc (30,1%) thì không thể hình dung sự phát triển tương lai của TPHCM như thế nào. Và với cơ cấu này, TPHCM còn trụ nổi cương vị “đầu tàu kinh tế của Việt Nam” hay không?

Với sự cho phép thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh nguồn lực đầu tư một cách hợp lý và hiệu quả hơn cho nền kinh tế và xã hội.

Định hướng điều chỉnh đó là cân đối giữa đầu tư cho cơ sở vật chất và đầu tư cho con người. Cân đối giữa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật với kết cấu hạ tầng xã hội (nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện). Cân đối giữa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật với cơ sở vật chất sản xuất kinh doanh trực tiếp và vốn hoạt động kinh doanh. Cân đối giữa đầu tư cho sản xuất vật chất với đầu tư phát triển văn hóa nghệ thuật và khoa học công nghệ.

Tin cùng chuyên mục