Ưu tiên tín dụng cho thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản ĐBSCL

Ngày 13-12, tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL”.

Quang cảnh hội nghị

Tính đến cuối tháng 11-2022, tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tại ĐBSCL đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng như: dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, (tăng 16%), dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng (tăng gần 13%), dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc. Kết quả trên cho thấy, dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL.

Trao đổi tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: Thời gian tới, ngành ngân hàng cần có giải pháp tín dụng phù hợp cho đặc thù của ngành nghề thủy sản, nhằm đáp ứng các đơn hàng trong tháng cao điểm cuối năm 2022. Đồng thời, mở rộng tín dụng, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh.

Ưu tiên tín dụng cho thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản ĐBSCL ảnh 2 Các đại biểu chủ trì hội nghị

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Aria Đồng Tháp, đơn vị sản xuất chế biến xuất khẩu cá tra cho biết: Hai quý đầu năm xuất khẩu cá tra tốt nhưng hai quý cuối năm gặp khó khăn do cuộc xung đột Ukraine và việc phá giá đồng nội tệ. Do đó, kiến nghị cần giữ ổn định mặt bằng tỷ giá và giảm lãi suất.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Năm 2022, Agribank đã ưu tiên giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho ĐBSCL là 11,6%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23.000 tỷ đồng. Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực này hơn 217.000 tỷ đồng (tăng 10,5% so với năm 2021), dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 180.000 tỷ đồng với 670.000 khách hàng. Dự kiến trong năm 2022, Agribank sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mới đây ngày 5-12 NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2%. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.

Ưu tiên tín dụng cho thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản ĐBSCL ảnh 3 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN yêu cầu: Các đơn vị trong ngành ngân hàng bám sát diễn biến của thị trường, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Thống đốc NHNN cho rằng, cần chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả... để đánh giá về nhu cầu tín dụng, nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL. Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, phân bổ tín dụng hợp lý cho khu vực trọng điểm ĐBSCL. Đặc biệt, các ngân hàng đã tuyên bố các gói tín dụng ưu tiên phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đúng như cam kết.

Tin cùng chuyên mục