Ưu tiên tiêm vaccine, bỏ giấy đi đường

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay, tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân, trong đó ưu tiên tiêm sớm cho công nhân, để đưa hoạt động sản xuất trở lại, nhằm phục hồi kinh tế sớm nhất có thể. Tỉnh cũng sẽ ngừng việc cấp giấy đi đường,...
Một doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai
Một doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai

Tại Đồng Nai, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thể hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu công nhân. 

Gần 3 tháng qua, Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (Khu công nghiệp - viết tắt KCN - Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc; quy mô 29.000 lao động) đã phải ngưng hoạt động để đảm bảo phòng chống dịch.

Ông Ngô Thanh Sản, Phó Tổng Giám đốc điều hành công ty, cho hay, dù ngưng hoạt động nhưng để giữ chân người lao động, công ty vẫn hỗ trợ 170.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, hơn 75% công nhân của công ty đều ở địa bàn “vùng xanh”, đơn vị đã xây dựng các phương án hoạt động an toàn nhưng lại vướng tiêu chí “công nhân phải có ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19”, bởi chỉ khoảng 20% người lao động được tiêm vaccine.

Đặc biệt, Công ty TNHH Giày Dona Standard có khoảng 7.000 lao động thuộc tỉnh Bình Thuận, đang tạm nghỉ việc do hiện nay Đồng Nai và Bình Thuận chưa cho phép công nhân đi lại giữa các tỉnh. “Doanh nghiệp (DN) thiếu công nhân trong lúc công nhân lại thất nghiệp, đó là nghịch lý”, ông Ngô Thanh Sản bày tỏ. 

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, khoảng 28 DN hiện có nhu cầu tuyển dụng 4.500 người lao động. Các DN có nhu cầu lao động lớn chủ yếu thuộc các lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử... Cụ thể, Công ty Pouchen tuyển 200 công nhân phổ thông; Công ty A FIRST VINA (KCN Tam Phước) tuyển 280 công nhân, lương thỏa thuận; Công ty TNHH Kim Cương Sao Sáng (KCN Biên Hòa 2) tuyển 30 lao động phổ thông với thu nhập 6,5-13,6 triệu đồng/tháng... 

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết, tỉnh hiện có khoảng 1.152 DN đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc kết hợp cả 2 phương án trên. Tuy nhiên, hiện các DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn nhân lực. Nhiều DN đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động; bỏ quy định “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ” mà chỉ quy định người tiêm vaccine được tạo điều kiện đi lại làm việc. 

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay, tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân, trong đó ưu tiên tiêm sớm cho công nhân, để đưa hoạt động sản xuất trở lại, nhằm phục hồi kinh tế sớm nhất có thể. Tỉnh cũng sẽ ngừng việc cấp giấy đi đường, công nhân đi làm chỉ cần đeo thẻ của công ty để cơ quan chức năng nhận diện và kiểm soát.

ĐBSCL: Tạo điều kiện cho người lao động lưu thông


Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Tân Hương (nằm giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An) sáng 4-10, số lượng người dân từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ đi theo hướng quốc lộ 1 về ĐBSCL bằng phương tiện cá nhân vẫn đông. Tuy nhiên, phía chiều ngược lại cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân trở lại TPHCM làm việc sau thời thời gian dài về quê tránh dịch.


Chở lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe, anh Đỗ Văn Thành, ngụ huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), bộc bạch: “Đầu tháng 7, tôi về Cần Thơ thăm nhà, sau đó địa phương áp dụng giãn cách xã hội nên ở lại cho tới nay. Ở quê lâu ngày không có việc làm, kinh tế khá chật vật. Biết được ở TPHCM cũng như tỉnh Long An… đã nới lỏng giãn cách, khôi phục sản xuất, cần tuyển lao động nên tôi quay trở lên để tìm cách mưu sinh và cũng được tiêm vaccine sớm hơn”.


Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, với người lao động, sinh viên, các chuyên gia... có nhu cầu về lại nơi cư trú hoặc đến các tỉnh, thành phố khác (như TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ) để lao động, làm việc, công tác... thì không cần giấy đi đường khi di chuyển ra khỏi tỉnh, chỉ cần nơi đến có thông báo thì tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, tất cả trường hợp di chuyển ra khỏi tỉnh phải có giấy cam kết đi đúng lộ trình, địa điểm đến và thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.


Tại Long An, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với TPHCM cho phép chuyên gia, chủ doanh nghiệp, người lao động đã tiêm vaccine được đi về trong ngày giữa hai địa phương. Hiện tỉnh này đang tiếp tục kiến nghị một số phương án và giải pháp để giữ chân, cũng như thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Theo kế hoạch, từ ngày 15-10, tỉnh Long An cơ bản phủ 2 mũi vaccine cho tất cả người lao động và bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất. 

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục