Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động ACCSM 21 diễn ra chiều 5-8, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, hội nghị lần này có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo cơ quan công vụ 10 nước thành viên ASEAN, sự tham gia của Phó Tổng Thư ký ASEAN, đại diện 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, với gần 100 đại biểu tham dự.
Theo đó, nội dung xuyên suốt trao đổi tại các cuộc họp trong khuôn khổ ACCSM 21 tập trung vào việc: Thảo luận về các thách thức đặt ra đối với nền công vụ ASEAN giai đoạn hậu Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với sự nổi lên của các thách thức mới chưa từng có tiền lệ; Đưa ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác ASEAN trong tình hình mới; Gắn ứng dụng công nghệ thông tin như một phương tiện hiệu quả đổi mới cách thức làm việc trong nền công vụ, góp phần hiện đại hóa nền công vụ các nước ASEAN, đáp ứng với các xu thế và các thách thức mới hiện nay; Tăng cường hợp tác với các nước +3 của ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước đối tác, đối thoại)…
Theo ông Vũ Đăng Minh, các dự án/hoạt động trong thời gian tới của ACCSM và ACCSM+3 sẽ tập trung vào các nội dung về quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công; xây dựng mô hình kế nhiệm nhân tài, phương pháp phát triển nhân tài; đánh giá năng suất lao động trong nền công vụ; cung ứng dịch vụ công; kinh nghiệm tinh giản công vụ trong các quốc gia +3, hệ thống quản trị giữa các nước ASEAN +3; lãnh đạo trong bối cảnh hậu Covid-19: các kỹ năng ứng phó với những bất ổn của thế giới đầy biến động; công vụ số hóa nhằm cải thiện cung ứng dịch vụ; chuyển đổi số trong nền công vụ… Nhìn chung, các nội dung chủ yếu tập trung vào quản lý nguồn nhân lực, các kỹ năng ứng phó với những thách thức mới cũng như việc chuyển đổi số.
Với tư cách chủ nhà, Việt Nam đã trình bày kế hoạch hành động của ACCSM và ACCSM +3 để thực hiện sáng kiến của Việt Nam về tuyên bố “Tăng cường sự thích ứng của nền công vụ đối với những thách thức mới”. Trong đó, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng thích ứng cao để đảm đương vai trò xây dựng chính sách và quản trị tốt, ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với các thách thức và môi trường đang thay đổi, tận tụy vì lợi ích của người dân ASEAN.
Trong khuôn khổ của ACCSM 21, Brunei đã nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ACCSM lần thứ 22 (2023-2024) từ Việt Nam. Thái Lan thông báo về việc chuyển giao vai trò chủ trì mạng lưới ASEAN về đào tạo công vụ (PSTI) cho Việt Nam giai đoạn 2022-2024.
Tại ACCSM 21, đoàn Việt Nam đã gặp gỡ trao đổi ngoài lề với Ban Công vụ Australia để mở ra các hướng hợp tác song phương trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng công chức, công vụ.
Ông Vũ Đăng Minh khẳng định, ACCSM 21 đã thành công tốt đẹp, qua đó đã khẳng định một trong những quyết tâm của ASEAN là tăng cường hợp tác liên khu vực, phối hợp liên trụ cột và liên ngành để thúc đẩy quản trị tốt đóng góp xây dựng một cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, ổn định, tự cường, gắn kết, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho người dân, hội nhập kinh tế, có trách nhiệm xã hội, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và dựa trên luật lệ; đặc biệt, xây dựng nền công vụ thực sự đổi mới, hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn các thách thức mới, là động lực cho quản trị đất nước tốt và phát triển bền vững trong ASEAN và trong các nước thành viên ASEAN.
Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ được thiết lập từ năm 1981, nhiệm kỳ Chủ tịch 2 năm/1 lần luân phiên theo vần chữ cái alphabet giữa các nước thành viên ASEAN. ACCSM gồm đại diện các bộ, cơ quan phụ trách công vụ của 10 nước ASEAN và ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nền công vụ ASEAN, trao đổi thông tin, các đổi mới sáng tạo và các thực tiễn tốt, thúc đẩy hợp tác hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau xây dựng năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. |