Chiều 28-10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Nội dung mới đáng lưu ý liên quan đến quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhìn nhận, hiện nay, pháp luật quy định 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Nhưng, nếu xây nhà ở xã hội trong khu thương mại với chất lượng thấp gây mất mỹ quan, “xộc xệch” so với phần còn lại của dự án. Còn nếu xây theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại thì giá nhà sẽ cao. ĐB đề nghị thay vì để lại 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thì các chủ dự án nên nộp kinh phí cho Nhà nước. Nhà nước sẽ dùng số kinh phí này để lập quỹ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội sẽ hiệu quả hơn.
ĐB Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trong hơn 8 năm vừa qua. Theo ĐB, Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới yêu cầu nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân. Chỉ thị này cũng nêu rõ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ thị, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân và lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn. “Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề trên chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc. Do đó, rất khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 5.000 căn nhà xã hội mà Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng”, ĐB nói và đề nghị bổ sung vào nghị quyết nội dung giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho quân đội, phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.
ĐB Nguyễn Quang Huân không hoàn toàn đồng ý đề xuất này. “Ưu tiên cung cấp quỹ đất cho lực lượng vũ trang chỉ áp dụng trong trường hợp đặc thù, chứ không phải tất cả các trường hợp nhà của công an, quân đội và không được ảnh hưởng đến các nguyên tắc kinh tế thị trường”, ông Huân phân tích.
ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cũng cho rằng, nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở lực lượng vũ trang đã từng được Chính phủ trình tại Luật Nhà ở trong kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, qua thảo luận, đánh giá kỹ, nội dung này là chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đặc biệt là nhu cầu cụ thể về nhà ở của lực lượng vũ trang ở các địa phương, chưa thống nhất với chính sách đất đai từ trước tới nay, kể cả đối với Luật Đất đai mới được thông qua.
“Thay vì quy định sử dụng đất quốc phòng phát triển nhà ở lực lượng vũ trang, Luật Nhà ở 2023 đã quy định việc bố trí đất phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân trong quỹ đất phát triển nhà ở xã hội của địa phương, do UBND cấp tỉnh quyết định, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực nơi có dự án, phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của lực lượng vũ trang nhân dân”, ĐB Đồng Ngọc Ba nêu rõ.