Thủ tướng Abe khẳng định chính phủ sẽ triển khai các cải cách để thay đổi cách thức làm việc của người lao động Nhật Bản và giúp nâng cao hiệu suất lao động bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực.
Trong thời điểm chính phủ của Thủ tướng Abe thông qua bản kế hoạch mới, nền kinh tế Nhật Bản đã có những dự báo lạc quan. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nâng mức tăng trưởng của Nhật Bản trong năm nay và năm tới lên 1,4% và 1%, cao hơn các mức tương ứng 1,2% và 0,8% đưa ra hồi tháng 3-2017, nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh sang các nước ở châu Á và tác động của gói kích cầu. Thị trường việc làm tại Nhật Bản đã xuất hiện những tín hiệu cải thiện đáng kể trong khi mức lương của người lao động đang trên đà tăng. Thủ tướng Abe bày tỏ hy vọng bản kế hoạch mới sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa những điều kiện thuận lợi này.
Nền kinh tế Nhật Bản cũng có tín hiệu tăng trưởng ổn định trong các quý gần đây, đánh dấu giai đoạn tăng trưởng kéo dài nhất kể từ năm 2006. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Nhật Bản vẫn thiếu sức bật cần thiết để thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài và tình trạng thiếu nguồn lao động do tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh thấp. Thị trường lao động tại Nhật Bản vẫn tồn tại sự phân biệt đáng kể về giới, mặc dù tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường việc làm đã tăng trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh đó, cải cách lao động bị đánh giá diễn ra chậm chạp so với kỳ vọng. Vài năm gần đây, đã có những lời kêu gọi Chính phủ Nhật Bản nên cải thiện lĩnh vực chăm sóc trẻ em, cải cách hệ thống thuế và phúc lợi cũng như hỗ trợ cân bằng giữa việc làm và đời sống. Vì thế, một phần nội dung của bản kế hoạch đề cập đến việc chính phủ sẽ xây dựng điều luật quy định mức trần làm thêm giờ và xóa bỏ phân biệt giữa người lao động dài hạn và người lao động thời vụ, đã nhận được nhiều sự đồng tình. Một nội dung chủ chốt trong bản kế hoạch cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận là miễn phí giáo dục trước tiểu học và đặt mục tiêu đưa ra quyết định về vấn đề này vào cuối năm nay.
Thúc đẩy sáng tạo cũng là một ưu tiên trong bản kế hoạch mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một xã hội thông minh, ứng dụng các công nghệ tiến bộ như trí thông minh nhân tạo để giúp giải quyết các vấn đề xã hội trong bối cảnh thiếu lao động trầm trọng. Dân số trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản lên mức đỉnh điểm là 87 triệu người vào năm 1995 và từ đó liên tục giảm. Các công ty cỡ vừa ở Nhật Bản đang lên kế hoạch mua người máy và các thiết bị khác để tự động hóa một loạt công việc trong ngành chế tạo, dịch vụ khách sạn, xây dựng. Các công ty nhỏ hơn giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách trả thêm lương cho nhân viên hoặc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Giới chuyên gia nhìn nhận, cách thức mà Chính phủ Nhật Bản đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động sẽ là bài học quan trọng đối với các nước sắp lâm vào tình cảnh tương tự trong những năm tới như Trung Quốc và Hàn Quốc.