Trước mắt, ngoài việc chuyển đổi cây trồng, chuẩn bị thức ăn khô cho gia súc, thường xuyên nạo vét kênh mương… ngành nông nghiệp các tỉnh, thành miền Trung áp dụng các quy trình tưới nước tiết kiệm, cũng như đề nghị các hồ thủy điện vận hành điều tiết xả nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ trong hè thu 2020 ở hạ nguồn các con sông.
Theo ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị thường xuyên theo dõi và phản ánh kịp thời tình hình thực hiện kế hoạch phát điện của các nhà máy thủy điện trên địa bàn nhằm chủ động phòng chống hạn mặn và điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các sông chính như sông Hương, Bồ, Ô Lâu.
Cùng với đó, sửa chữa một số hạng mục hư hỏng để vận hành đập Thảo Long (công trình ngăn mặn, giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á ở cuối nguồn sông Hương với 15 cửa van, khẩu độ 3,5m/cửa) nhằm ngăn mặn giữ ngọt, lưu trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các huyện: Quảng Điền, Phú Vang; các thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế.
Trao đổi với PV SGGP, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã chỉ đạo đến các địa phương có nguy cơ bị hạn nặng nhất ở tỉnh này tiếp tục bám sát tình hình hạn để đưa ra các giải pháp chống hạn cấp bách cho người dân. Ông Châu yêu cầu các địa phương cần phải ưu tiên cho việc mở mạng lưới nước, cấp nước sinh hoạt đủ cho người dân rồi mới đến nước sản xuất. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đề nghị huyện Phù Mỹ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các công trình cấp nước sạch tập trung, đưa vào vận hành các công trình cấp nước sạch đã hoàn thành để giải quyết cho hàng ngàn hộ dân đang thiếu nước ở các xã, như: Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Cát, Mỹ Phong, Mỹ Thành… Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định, địa phương vẫn duy trì bỏ trống đất sản xuất vụ hè thu 2020 trên 5.165ha và tập trung canh tác các loại cây trồng cạn trên 11.000ha.