Ưu tiên nguồn vốn thúc đẩy các dự án vùng và liên vùng Đông Nam bộ

Sáng 10-8, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ, chủ trì hội nghị lần thứ tư của hội đồng để rà soát việc thực hiện các nội dung đề ra tại hội nghị lần thứ ba và triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự hội nghị có: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ gồm: TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.

CN1f.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Còn thiếu vốn, vướng cơ chế

Tại hội nghị, lãnh đạo bộ ngành, địa phương trong vùng cùng cho rằng, công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ, nhất là chưa đồng bộ trong đầu tư các dự án trọng điểm, dự án lớn có tính chất liên địa phương, liên vùng.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh đang đối mặt với áp lực lớn về nguồn vốn để triển khai các dự án giao thông quan trọng qua địa bàn như đường Vành đai 4, Vành đai 3 và đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Để đầu tư các dự án này, tỉnh Bình Dương cần khoảng 15.000 tỷ đồng nhưng ngân sách hiện chỉ có khoảng 5.000 tỷ đồng. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương kiến nghị, cần có chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn, trong đó đề xuất cho ứng quỹ tiền lương của địa phương, nâng tỷ lệ giữ lại nguồn thu ngân sách, vay vốn lãi suất ưu đãi từ Trung ương...

Về dự án đường Vành đai 3 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện gặp 3 vướng mắc, đó là thiếu cát, tiến độ giải phóng mặt bằng ở 4 địa phương và tiến độ của một số hạng mục vẫn còn chậm. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương cần tập trung cùng nhau tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo đến tháng 1-2026 sẽ thông xe kỹ thuật và quý 2-2026 hoàn thành dự án.

Đối với dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, TPHCM và Tây Ninh sẽ quyết tâm phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng và xây lắp trong năm nay. Đồng thời sớm khởi công gói đầu tư công trong quý 2-2025 và khởi công gói đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong quý 2-2026, cố gắng hoàn thành dự án vào đầu năm 2028.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thêm, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án thành phần 4, hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao trước ngày 30-4-2025.

Sớm có cơ chế đặc thù cho vùng

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước và chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.

Bộ trưởng Bộ Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong dự thảo báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng vùng Đông Nam bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt.

48 tỷ USD xây dựng đường sắt đô thị TPHCM Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, để thực hiện đề án phát triển đường sắt đô thị TPHCM, thành phố xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công cũng là chủ yếu.

Trong đó, nhu cầu vốn đến năm 2035, TPHCM cần khoảng 36 tỷ USD; đến năm 2045 cần 33 tỷ USD và đến năm 2060 cần 48 tỷ USD.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua của vùng Đông Nam bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thời gian tới rà soát lại chỉ tiêu, mục tiêu để tập trung thực hiện nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách; triển khai các quy hoạch, thông qua kế hoạch thực hiện các quy hoạch.

Screenshot 2024-08-11 070812.png
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu các dự án vùng và liên vùng, gồm: Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm Thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối; giao thời hạn phấn đấu khởi công các dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đúng vào dịp 30-4-2025; giao TPHCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội đối với dự án đường Vành đai 4 TPHCM vào tháng 11-2024.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch vùng để tiếp tục ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030.

Đối với công tác rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ ngành Trung ương nghiên cứu đề xuất sửa đổi một số luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách.

Trong đó, có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam bộ có khả năng thu lớn. Việc này nhằm tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục