Đặt sức khỏe, tính mạng người dân trên hết
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế. Thủ tướng bày tỏ nhất trí cao trước các đề xuất, kiến nghị của Bộ Y tế để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhấn mạnh một số điểm quan trọng. Trong đó, ngành y tế phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Chăm sóc bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình. Lương y phải như từ mẫu. Song song đó, ngành phải tiếp cận phát triển tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư.
Đồng thời triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ.
Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phải chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại; nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả. Khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt như Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sĩ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.
Bộ Y tế cùng Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính rà soát, chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cho cán bộ thực thi công vụ công chức, tránh tâm lý sợ sai làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân; sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi phí tiền túi của người dân…
Đề xuất các chính sách đặc thù
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngành y tế còn nhiều vấn đề hạn chế cần tập trung xử lý sớm, như: tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; các vấn đề về tài chính y tế; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế chưa bảo đảm…
Do vậy, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhất là những ngành, chuyên ngành khó tuyển; các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Bộ Y tế cũng kiến nghị, đề xuất công nhận liệt sĩ đối với cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.