Phóng viên của báo đã đem câu hỏi này đặt lên bàn ngành chức năng. “Sẽ mở cửa cho giao thông dịp lễ nhưng sau đó đóng lại để làm tiếp. Nguyên nhân, nhiều đoạn đường gom và đường kết nối với các tuyến đường khác trong khu vực… vẫn chưa xong”. Có nhiều lời giải thích lòng vòng cho nguyên nhân ấy nhưng đại ý câu trả lời mà phóng viên Báo SGGP nhận được là vậy.
“Bó tay” là tiếng kêu cảm thán của bạn đọc Báo SGGP quan tâm đến dự án này khi được nghe thông báo lại câu trả lời nêu trên. “Thiệt không biết nói gì khi chỉ có hơn 50km đường mà đã 13 năm làm không xong. Trong khi đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm bậc nhất đất nước, hoàn thành sớm ngày nào sẽ giúp miền Tây Nam bộ tháo được nút thắt ùn tắc giao thông lớn nhất khu vực, giúp hàng hóa xuất khẩu từ đây lên cụm cảng biển TPHCM thuận tiện hơn, qua đó tạo cơ sở cho vùng đất này - vốn đang bị tụt hậu vì hạ tầng giao thông lạc hậu, phát triển.
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cho sự lạc hậu của giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam bộ nói chung và sự chậm trễ quá mức của dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận nói riêng. Việc cũ sẽ hạ hồi phân giải nhưng trước mắt, đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận lại chưa biết đến bao giờ hoàn thành chính thức là điều không thể chấp nhận được.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên nhóm tư vấn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã có lần chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về một trong những nguyên tắc cơ bản trong đầu tư là Nhà nước nên tiên phong làm những dự án khó, có nhiều rủi ro. Nhất là khi những dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của cả một vùng đất, có vai trò quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước như dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và nhiều dự án cầu, đường khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Nền đất miền Tây Nam bộ yếu, đặc biệt còn có nhiều túi bùn nên việc xử lý lún trong làm đường, xây cầu gặp nhiều khó khăn, rủi ro và tốn kém hơn những vùng đất khác. Chính vì vậy, Nhà nước phải ưu tiên ngân sách đầu tư cho giao thông khu vực này.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hiện đang được đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên việc chuyển sang sử dụng ngân sách sẽ rất phức tạp. Tuy nhiên, tuyến đường này không chỉ chưa hoàn thành một số hạng mục nêu trên mà nguy hiểm hơn còn thiếu làn đường dừng khẩn cấp. Trả lời việc này, ngành chức năng cho biết, dự án còn giai đoạn 2 và việc xây dựng làn đường khẩn cấp sẽ được thực hiện trong giai đoạn này. Thế nhưng, bao giờ làm giai đoạn 2? Câu hỏi chưa có câu trả lời chính thức…
“Muộn còn hơn không”, các Bộ GTVT, KH-ĐT, Tài chính cùng nhiều bộ ngành, địa phương liên quan khác cần nhanh chóng triển khai ngay việc đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 2. Một mặt vừa để khắc phục những khiếm khuyết của giai đoạn 1 (thiếu làn dừng khẩn cấp, gây nguy hiểm cho người lưu thông), tăng thêm năng lực giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long; mặt khác giúp nhà đầu tư tư nhân giải quyết các khó khăn đang khiến công trình chưa biết đến khi nào chính thức hoàn thành.