Theo đề xuất của tỉnh Long An, tuyến đường trục động lực dài gần 60km, mặt cắt ngang là 40m, sẽ được đổi tên là quốc lộ 50B; cần sớm triển khai đầu tư xây dựng các cầu lớn trên tuyến, gồm cầu Cần Giuộc, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông.
Theo Bộ GTVT, hiện các cơ quan liên quan đã phối hợp với địa phương nghiên cứu việc bổ sung quy hoạch, đưa tuyến đường này vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu thực hiện đầu tư các cầu lớn trên tuyến. Đối với phần đường, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương và kêu gọi nguồn vốn để thực hiện theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Về việc nâng cấp các tuyến đường trọng yếu, Bộ GTVT cho biết, đang hoàn thiện Đề án Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Bộ GTVT dự kiến đưa một số dự án giao thông địa bàn tỉnh Long An và khu vực ĐBSCL vào danh mục ưu tiên đầu tư để trình Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn thực hiện. Các dự án được ưu tiên bao gồm: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62 đoạn từ nút giao với quốc lộ 1 đến cửa khẩu Bình Hiệp; Nâng cấp tuyến N1 kết nối Long An - Đồng Tháp - An Giang; Nâng cấp, mở rộng tuyến N2 các đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, đoạn Đức Hòa - Mỹ An và đoạn Mỹ An - Cao Lãnh để nối thông tuyến N2 từ các tỉnh Tây Nguyên đến Kiên Giang.
° Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM vừa cho biết, sẽ báo cáo UBND TPHCM trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (khu vực sân bay Tân Sơn Nhất).
Dự án này trước đây có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng (thuộc nhóm B) đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư vào cuối năm 2016, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu lập dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31-8-2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ triển khai thực hiện cải tạo, mở rộng nhà ga T1 và T2 hiện hữu đạt công suất 30 triệu khách/năm và đầu tư mới nhà ga T3 với công suất 20 triệu khách/năm. Như vậy, sẽ gia tăng áp lực giao thông tại khu vực này, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án làm đường nhằm đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng này đã được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh.
Việc điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tổng vốn đầu tư tăng lên 4.849 tỷ đồng thuộc nhóm A. Do đó, cần phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thẩm định và phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng, xây dựng hơn 1.700 tỷ đồng, còn lại chi phí khác và dự phòng.
Tuyến đường có điểm đầu ở nút giao giữa đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên và điểm cuối giao với đường Cộng Hòa với tổng chiều dài 4.390m, rộng 4 - 6 làn xe. Các hạng mục khác bao gồm hầm chui tại nút giao đường Trần Quốc Hoàn - đường Phan Thúc Duyên và nút giao đường Trường Chinh - đường Tân Kỳ Tân Quý; cầu vượt trước khu vực nhà ga T3. Dự kiến thời gian thực hiện từ nay đến năm 2024.