Tính đến nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ trên dưới 8%, trong khi yêu cầu cần thiết là từ 24%-26%; tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TPHCM chỉ khoảng 2km/km2 (trong khi tiêu chuẩn là 10-13km/km2); nhiều tuyến đường có lòng đường rộng khoảng 7m.
Số liệu này cho thấy, mức độ đầu tư về quỹ đất và kinh phí dành cho giao thông còn thiếu rất nhiều, chưa tương xứng với đô thị lớn như TPHCM.
Do vậy, các dự án giao thông quan trọng mà thành phố phải ưu tiên, hoàn thành càng sớm càng có lợi, như vành đai 2, 3, 4; nút giao Mỹ Thủy; nút giao An Phú với đường Nguyễn Thị Định; Nguyễn Duy Trinh; Nguyễn Xiển; Hoàng Hữu Nam; khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng đường Tân Sơn, Tân Kỳ - Tân Quý…
Ngoài ra, xúc tiến xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài và nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 50, quốc lộ 22… Về metro, chỉ tuyến số 1 đang được thi công, chuẩn bị triển khai tuyến số 2, những tuyến còn lại cần sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Giao thông luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống, không đơn thuần phục vụ nhu cầu đi lại mà còn tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động xã hội, vận chuyển hàng hóa để hạ giá thành sản phẩm.
Hạ tầng giao thông còn thiếu, còn yếu và kẹt xe không chỉ thành phố mà quốc gia mất đi cơ hội phát triển, chưa phát huy hết tiềm năng, gia tăng ngân sách; sản phẩm, hàng hóa chậm luân chuyển, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mất cơ hội trong kinh doanh, tốn kém nhiều hơn với chi phí logistics… Vì vậy, một đồng cho tăng trưởng đang phải trả giá bằng nhiều đồng vốn cho đầu tư.
Đầu tư cho giao thông phải có nguồn vốn rất lớn nên trong lúc ngân sách hạn hẹp cần tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư, mời nhà đầu tư làm dự án PPP. Đầu tư cho giao thông đi kèm với nhiều giải pháp, bên cạnh triển khai các dự án lớn cũng phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân.