Ưu tiên đầu tư các dự án động lực có tính liên kết vùng ĐBSCL

Chiều 1-7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại tỉnh Cà Mau. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL.

Le Minh Khai HN hoi nghi vung.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt Nghị quyết 13-NQ/TW), đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế, gấp gần 1,3 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Trong đó, một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như Trà Vinh (8,25%), Cà Mau (7,83%), An Giang (7,34%), Bạc Liêu (7,24%), đặc biệt là Hậu Giang (cao thứ 2 cả nước với mức tăng trưởng là 12,27%).

Le Minh Khai HN vung 3.jpg
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt, nghiêm túc thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL bền vững theo Nghị quyết 13-NQ/TW, Nghị quyết số 78/NQ-CP.

Tập trung cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực có thế mạnh; phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển. Phát triển kinh tế biển; trong đó, chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, kinh tế dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản xa bờ, các khu kinh tế, công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh học.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực trọng điểm, quan trọng có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai, tài nguyên nước; chủ động ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu. Coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, ban hành cơ chế chính sách phát triển vùng, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thuỷ lợi, thoát lũ, trữ nước, chuyển nước ngọt, hệ thống quản lý, kiểm soát ngập mặn nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động đến từ sự thay đổi nguồn nước thượng lưu sông Mê Công; xử lý sạt lở bờ sông, củng cố đê biển, đẩy nhanh tốc độ đầu tư các trung tâm đầu mối về nông nghiệp của các tỉnh, nhất là các trung tâm đầu mối tổng hợp. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá lịch sử sông nước miệt vườn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách người có công.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Bộ KH-ĐT sớm nghiên cứu các tiêu chí, nguyên tắc xây dựng các dự án trọng điểm của vùng để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Tin cùng chuyên mục