Ngày 6-6, thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các dự án: đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TPHCM; chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu.
“Đều là các dự án cấp bách, động lực, lan toả vùng, kết nối các địa phương. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng đã đồng ý về chủ trương. Vấn đề còn lại là cách thức làm thế nào, phương thức đầu tư ra sao, cơ chế chính sách đặc thù như thế nào để triển khai được thì giao cho Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu, triển khai. Phương án trình ban đầu rất khác so với phương án trình Quốc hội lần này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức rất nhiều phiên không chính thức và 3 phiên chính thức để cho ý kiến về 5 dự án này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất công phu, Chính phủ rất cầu thị. Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã cơ bản thống nhất, đồng thuận cao.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với băn khoăn của một số ĐB khi cho rằng có xu hướng mở rộng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong 5 dự án, có thể dẫn đến những hệ luỵ phức tạp về pháp lý, về tổ chức triển khai thực hiện và gây hệ lụy tiêu cực về quản lý, quản trị dự án, làm giảm hiệu quả dự án và không đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong giai đoạn đặc biệt hiện nay, khi chúng ta vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này. Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt.
“Luật Ngân sách nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Về nguyên tắc, đầu tư đường cao tốc là trách nhiệm của Trung ương, đường song hành, vành đai là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn thì cần thiết phải cho phép Trung ương và địa phương cùng làm, tuỳ theo khả năng đóng góp của địa phương và cam kết của địa phương. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định cao tốc và quốc lộ là do Bộ GTVT quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống là do địa phương quản lý. Nhưng nếu 5 dự án đường giao thông này được Quốc hội thông qua, một mình Bộ GTVT quản lý cả 5 dự án, chưa kể các dự án đang làm thì không thể làm hết được. Do đó phải giao cho địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương án này không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ nhưng tình hình cấp bách như hiện nay thì cần cho phép thực hiện khác với quy định của luật”, Chủ tịch Quốc hội giải thích.
Tương tự, Luật Xây dựng không cho phép tách dự án theo địa giới hành chính mà yêu cầu phải lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập. “Nhưng nếu quá máy móc như thế trong giai đoạn phục hồi phát triển hiện nay thì có cần thiết không? Vì thế, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Luật PPP cũng quy định phần đóng góp của tư nhân không dưới 50%, Nhà nước không vượt quá 50% nhưng phần góp vốn của Nhà nước của dự án đường Vành đai 4 theo phương án trình là đến 66%, thời hạn thu hồi vốn vẫn là 21 năm. Nếu tuân thủ đúng quy định Nhà nước và tư nhân 50/50 thì không có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra, do đó phải xin cơ chế đặc thù.
“Đã bàn rất kỹ để chọn phương án tối ưu nhất, cần thiết phải cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể này, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay", Chủ tịch Quốc hội nêu.
“Chúng ta trao quyền nhiều thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cá thể hoá trách nhiệm, tránh những hệ luỵ xấu có thể xảy ra. Người nào quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cho phép chỉ định thầu mà sau này nhà thầu không đủ năng lực, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên đặc biệt nhất về nguồn vốn và tiến độ đối với dự án đường Vành đai 3 TPHCM để cơ bản hoàn thành trong năm 2025, quyết toán và đưa vào sử dụng trong năm 2026 vì dự án này không chỉ có ý nghĩa với miền Đông Nam bộ mà còn cho cả vùng ĐBSCL. 4 dự án còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và Chính phủ cũng đã thống nhất giãn tiến độ ít nhất là 1 năm (cơ bản hoàn thành trong năm 2026, 2027) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, không gây căng thẳng về nguồn vốn, đồng thời dành được một nguồn vốn nhất định của giai đoạn này để đầu tư cho một số dự án động lực của địa phương khác. |