Đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy
Thảo luận tại hội trường, các ĐB đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành để 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64% - là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp 1,47%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định…
ĐB TRẦN HOÀNG NGÂN (TPHCM): TPHCM đang trải qua những ngày chống dịch nhiều cam go. Người dân TPHCM cảm nhận sâu sắc tình đồng bào, đồng chí của người dân, doanh nghiệp mọi miền đất nước. TPHCM cảm ơn các địa phương, người dân, doanh nghiệp ủng hộ TPHCM chống dịch; cảm ơn Quốc hội đưa nội dung phòng chống dịch vào nghị quyết chung của Quốc hội. TPHCM đã, đang và sẽ nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch để đưa cuộc sống trở lại bình thường. |
Chia sẻ đã từng trải qua 3 nhiệm kỳ ĐBQH nhưng chưa khi nào thấy báo cáo của Chính phủ nêu nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bình luận, dịch bệnh đang bào mòn sức khỏe của người dân, doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3 có khả năng thấp hơn kế hoạch khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 kém lạc quan. Nguồn lực đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng do dịch, có thể ngăn mục tiêu tăng trưởng. Dư địa chính sách tài khóa trong hỗ trợ đang hạn hẹp dù ngân sách tạm kết dư (do đầu tư phát triển giải ngân chậm), thu ngân sách gặp khó khi dịch lần 4 phức tạp. Khó khăn, thách thức bủa vây, trong khi chính sách tài chính, tiền tệ không còn nhiều. Trong khi, tài khoản giải ngân đầu tư công gặp khó do dịch, ngân quỹ nhà nước ứ đọng, không đưa được vào nền kinh tế thể hiện qua số dư tài khoản kho bạc gửi tương đương 26 tỷ USD. Về giải pháp, ĐB Hà Sỹ Đồng bày tỏ đồng tình với các giải pháp Chính phủ đã nêu cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời đề nghị cần có sự rà soát chính sách, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Ủng hộ các giải pháp mạnh mẽ mà luật chưa có
Thảo luận tại hội trường, đa số các ĐB đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ đưa một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội. ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng bày tỏ sự tán thành với chủ trương Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định áp dụng các biện pháp chưa có luật và khác với luật hiện hành trong phòng chống dịch Covid-19. Bởi theo ĐB, điều này là hết sức cần thiết và giống như Quốc hội cho thí điểm chính sách mới.
Đồng tình với việc đưa vấn đề phòng chống dịch bệnh vào nghị quyết chung của Quốc hội là đúng đắn dù có những điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, song ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lưu ý phạm vi điều chỉnh, thời hạn áp dụng và xác định trách nhiệm để không bị lợi dụng chính sách gây thất thoát ngân sách. Bởi, mọi kế hoạch dù hay, hoàn hảo thì vẫn phụ thuộc yếu tố con người. “Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Khi chúng ta thảo luận ở đây về định hướng, kế hoạch thì ngoài kia người dân vẫn đang chờ đợi vaccine, chờ đợi những ngày tháng khó khăn sẽ nhanh qua. Tôi tin là Chính phủ với quyết tâm, nỗ lực sẽ thực hiện thành công các nghị quyết, kế hoạch đã đề ra”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH ĐÀO NGỌC DUNG: Dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế, đời sống xã hội, tấn công thành trì là khu công nghiệp, khu chế xuất nơi lao động chiếm 4 triệu người. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB-XH và các ngành đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 (về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19); Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sau 15 ngày triển khai, theo đánh giá, việc ban hành chính sách trên là kịp thời, đúng, trúng đối tượng, hồ sơ thông thoáng, rút ngắn thời gian so với gói Nghị quyết 42/NQ-CP (về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19). |