Ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh những vùng đất có vị trí đẹp, lợi thế

Ngày 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng) đã kết luận hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu xem giới thiệu sơ đồ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu xem giới thiệu sơ đồ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo cho biết, phát triển kinh tế - xã hội của vùng đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn. Chất lượng cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện, có 4/11 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước (Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội đứng thứ 4, Hải Phòng thứ 7, Bắc Ninh thứ 8).

Đáng chú ý, 7/20 dự án quan trọng của vùng đã được khởi công và đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công tiếp 8 dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Trong đó, các dự án đường bộ cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình sẽ tạo xung lực mới, không gian phát triển mới, kết nối các miền di sản của vùng.

Bộ KH-ĐT cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, chương trình hành động của Chính phủ và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng.

1.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát những kết quả phát triển kinh tế - xã hội vùng thời gian qua, nổi bật là tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 6,28%, (cả nước đạt 5,05%), quy mô GRDP chiếm 30,4% GDP cả nước (sau vùng Đông Nam bộ). GRDP quý 1-2024 tăng 6,16%, cao hơn mức tăng GDP cả nước là 5,66%.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 chiếm 38,6% tổng thu ngân sách Nhà nước của cả nước và cao nhất trong 6 vùng kinh tế; trong 18 địa phương điều tiết về ngân sách Trung ương, có 8 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ đầu năm đến ngày 7-5-2024, vùng chiếm 41,6% tổng thu cả nước. Thu hút FDI năm 2023 đạt gần 17,4 tỷ USD, đứng đầu cả nước, trong đó 5/11 địa phương luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng còn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức khi tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của vùng, đặc biệt là về văn hóa. Thủ tướng cho rằng, vùng có 3 cái thiếu: thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp.

10.jpg
Thủ tướng cho rằng, Đồng bằng sông Hồng có 3 cái thiếu: thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng với đó, vùng có những hạn chế lớn về: tính liên kết, về cả liên kết trong hạ tầng giao thông; liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI; trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng; quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp; trong ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chỉ rõ 12 chữ mang tính chất "từ khóa" trong triển khai quy hoạch và phát triển, liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian tới: truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện, bền vững.

Các yếu tố nền tảng để phát triển vùng là: dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược; tập trung phát triển các động lực mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và liên kết vùng. Cùng với đó, ứng phó, khắc phục các thách thức, hạn chế, bất cập, như già hóa dân số; khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, tài nguyên con người; bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế về nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là tăng thu, tiết kiệm chi, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy vốn đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Thủ tướng gợi ý các địa phương xây dựng các cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu và giám sát thực hiện quy hoạch… "Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân", Thủ tướng nói.

Song song đó, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm... có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo (nhất là nhân lực bán dẫn), nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Về các hoạt động điều phối vùng, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và liên kết vùng...

Tin cùng chuyên mục