Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý khoảng 8.900 tấn/ngày. Loại chất thải này được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi) với diện tích 687ha và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh) với diện tích 614ha, tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp chiếm 69%, chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng đốt, tái chế, làm phân compost chiếm tỷ lệ 31%. Dự báo đến năm 2020, mỗi ngày thành phố phát thải 10.081 tấn rác; đến năm 2025, phát thải 12.864 tấn/ngày, bình quân mỗi năm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng 5%.
Hệ thống chuyển hóa rác bằng nhiệt được thực hiện tại bãi rác Gò Cát. Ảnh: CAO THĂNG
Trước tình hình này, TPHCM đang kêu gọi đầu tư 2 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (đến năm 2025) với công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công suất 2.000 tấn/ngày tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Trong đó, thành phố kêu gọi đầu tư 1 dự án xử lý chất thải công nghiệp nguy hại áp dụng công nghệ đốt plasma, công suất 200 - 500 tấn/ngày và 1 dự án xử lý chất thải y tế nguy hại với công nghệ đốt plasma, công suất 50 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư thực hiện giải pháp phủ đỉnh bãi chôn lấp để phục vụ sân gofl, công viên cây xanh hoặc cải tạo bãi chôn lấp để tái sử dụng thành khu trung tâm thương mại, nhà ở tại các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt ở 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Bình Tân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để thực hiện các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn mà thành phố đang kêu gọi, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giá mua/bán điện, nguồn vốn và thuế. Theo đó, về chính sách đất đai, dự án thu gom, xử lý tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung (thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh) nếu đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 6-5-2013 được lựa chọn chế độ miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp.
Đối với chính sách hỗ trợ giá mua/bán điện, các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp có giá mua điện 2.114 đồng/kWh, đối với dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn có giá 1.532 đồng/kWh. Về chính sách nguồn vốn, theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28-5-2011 của UBND TPHCM ban hành quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của thành phố, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung bằng hình thức xã hội hóa sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay.
Đối với chính sách thuế, nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án (nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm) mà trong nước chưa sản xuất được. Thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.
Đánh giá về các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn của TPHCM, GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết có thể nhận thấy các chính sách ưu đãi được thành phố đưa ra có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, thành phố cần chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án một cách cụ thể về thời gian, địa điểm, công nghệ và phải có quy trình thẩm định chặt chẽ về công nghệ, kỹ thuật và nguồn vốn của nhà đầu tư nhằm đảm bảo các dự án phát huy được hiệu quả thực tế trong tương lai.