Với 114 phiếu ủng hộ và chỉ 4 phiếu chống, Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) được thông qua áp đảo tại Thượng viện Mexico được xem là “thông điệp rõ ràng ủng hộ kinh tế mở và làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế trong khu vực”. Mexico trở thành nước ủng hộ mạnh mẽ hiệp ước, chấp thuận một số quy tắc mới được xây dựng dựa trên nền Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA - một hiệp định thương mại tự do đã thay đổi nền kinh tế quốc gia này trong 25 năm qua. Theo Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, điều đó có nghĩa là sẽ có đầu tư nước ngoài vào Mexico, nghĩa là sẽ tạo việc làm ở Mexico và cũng có nghĩa là đảm bảo thương mại hàng hóa mà Mexico sản xuất qua Mỹ. Năm 2018, khoảng 80% hàng xuất khẩu của Mexico trị giá khoảng 36 tỷ USD được xuất sang Mỹ. Hãng tin AP dẫn thông tin từ Bộ Kinh tế Mexico cho biết, cuối quý 1-2019, 2 quốc gia này đã đạt được 203 tỷ USD thương mại 2 chiều và Mexico lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại số một của Mỹ, vượt qua Canada và Trung Quốc.
Trước đó, đã có quan ngại về việc thỏa thuận mới này khó vượt qua cửa ải Quốc hội vì Mexico muốn tiếp tục duy trì NAFTA vốn mang lại nhiều lợi thế cho nước này hơn. Tuy nhiên, chính Quốc hội Mỹ lại đang là bên phản đối thỏa thuận này với lý do không ủng hộ các điều khoản bảo vệ người lao động, cơ chế giải quyết tranh chấp cũng như một số vấn đề khác. Các nghị sĩ ở Hạ viện Mỹ (do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát) đang muốn có thêm thời gian để xem xét lại thỏa thuận này. Theo Washington Post, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang gây sức ép để nâng cao việc thực thi các tiêu chuẩn về môi trường và lao động trong khuôn khổ thỏa thuận. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa (đang nắm giữ Thượng viện Mỹ) đặt mục tiêu bỏ phiếu USMCA trước khi Quốc hội nghỉ họp vào tháng 8-2019, để tránh các cuộc tranh luận về ngân sách và chiến dịch tranh cử tổng thống 2020.
Nhiều chuyên gia chính trị Mỹ nhận định, USMCA khó có thể được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện trong mùa hè này. Nếu USMCA không được phê chuẩn trong năm nay, thỏa thuận này có nguy cơ bị sa lầy trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Mặc dù vậy, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vẫn hy vọng thỏa thuận có thể được thông qua trong vòng 2 tuần tới.
Trong lúc chính phủ của Tổng thống Donald Trump nỗ lực thúc giục Quốc hội đẩy nhanh tiến trình bỏ phiếu về USMCA, thì tại Canada, Quốc hội nước này vẫn đang chờ từng động thái của Mỹ trước khi chính thức bỏ phiếu. Trong chuyến công du tới Washington ngày 20-6 giờ địa phương, Thủ tướng Canada Justin Trudeau có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận về việc phê chuẩn thỏa thuận trên. Ngoài ra, Thủ tướng Trudeau dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, để đẩy nhanh tiến trình thông qua thỏa thuận. Nếu chính phủ của Tổng thống Donald Trump có thể đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ, Canada cũng sẽ đẩy nhanh cuộc bỏ phiếu vào mùa hè này - thậm chí kêu gọi các nghị sĩ đang trong kỳ nghỉ hè quay trở lại nghị trường để bỏ phiếu.