Theo nhật báo Wall Street Journal, từ đầu năm 2022 đến nay, USD đã tăng hơn 16% so với 16 loại tiền tệ khác. Đồng yen Nhật đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với USD, trước khi Tokyo được cho là đã can thiệp để hỗ trợ loại tiền tệ này. Bảng Anh cũng xuống mức thấp nhất lịch sử vào tháng 10, hiện tỷ giá bảng Anh/USD giảm 16% so với đầu năm 2022.
USD vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trước sự hỗn loạn tài chính. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như nỗi sợ hãi về suy thoái kinh tế đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua USD (thường có xu hướng dao động ít hơn so với các loại tiền tệ khác). Chiến dịch tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát cao trong 40 năm ở Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng với sự tăng giá của USD. Trong cuộc họp ngày 1 và 2-11, FED cho biết sẽ tiếp tục chính sách tăng lãi suất. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng kinh tế ít ảm đạm hơn ở Mỹ càng khuyến khích FED tăng nhanh lãi suất.
Trong khi khách du lịch Mỹ tận hưởng kỳ nghỉ giá rẻ ở Anh và Nhật Bản, và các nhà nhập khẩu được hưởng hàng hóa rẻ hơn từ nước ngoài, thì các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp Mỹ có hoạt động quốc tế đang gặp thua lỗ do sản phẩm và dịch vụ của họ trở nên quá đắt đối với người mua nước ngoài. Theo chị Carla Norfleet Taylor, Giám đốc cấp cao và Trưởng bộ phận nghiên cứu các công ty Mỹ tại Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, không ít công ty xuất khẩu Mỹ than phiền đồng USD tăng mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của họ.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích ước tính, sự tăng giá nhanh chóng của USD sẽ quét sạch hơn 10 tỷ USD từ thu nhập doanh nghiệp Mỹ trong quý 3-2022. Trong bối cảnh FED đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất, giá USD sẽ càng mạnh hơn. Một số nhà phân tích tin rằng thua lỗ với một số công ty xuất khẩu Mỹ có thể lên đến hàng chục tỷ USD. Khoảng 30% thu nhập của các công ty Mỹ đến từ các nước, vì vậy nhiều nhà xuất khẩu Mỹ và các công ty Mỹ có thị trường quốc tế bị ảnh hưởng mạnh. Các công ty của Mỹ như Costco, Công ty phần mềm Salesforce là 2 trong số các công ty ghi nhận sụt giảm mạnh nhất về doanh thu do giá USD tăng. Trong khi công ty hàng tiêu dùng Proctor & Gamble đã trải qua đợt sụt giảm doanh số hàng năm đầu tiên sau 5 năm. Microsoft chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm, với biến động tiền tệ làm giảm doanh thu 2,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Ông Jonathan Golub, người đứng đầu chiến lược vốn cổ phần của Mỹ tại Tập đoàn tài chính - ngân hàng Credit Suisse, ước tính rằng cứ mỗi mức tăng 8%-10% giá trị của USD, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các công ty xuất khẩu Mỹ có trong tốp 500 công ty hàng đầu của nước này giảm 1%. Một số nhà đầu tư ước tính con số có thể còn cao hơn, lên đến 3%. Theo ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, các công ty có phần lớn doanh thu ở Mỹ đã giảm 15% thu nhập trong 3 quý đầu năm 2022, con số này của các công ty Mỹ có sự hiện diện quốc tế là 30,5% cùng kỳ.